Nghị quyết hôm 2/11 không mang tính ràng buộc đã được 187 quốc gia chấp thuận, chỉ có Mỹ và Israel phản đối, và Ukraine bỏ phiếu trắng. Cuba đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, cùng tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.
Hãng tin Reuters đưa tin, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho biết "lệnh cấm vận đang ngăn cản Cuba tiếp cận thực phẩm, thuốc men, thiết bị công nghệ và y tế".
Theo ông Rodriguez, việc bị cấm xuất khẩu sang Mỹ đã khiến Cuba thiệt hại gần 5 tỷ USD chỉ trong năm 2022.
Lệnh cấm vận kinh tế Cuba được Mỹ đưa ra sau cuộc cách mạng năm 1959 của lãnh tụ Fidel Castro, và hầu như không thay đổi kể từ đó.
Trong bài phát biểu phản đối nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đại diện phái đoàn Mỹ Paul Folmsbee cho biết các lệnh cấm vận nhằm mục đích thúc đẩy "nhân quyền và quyền tự do cơ bản ở Cuba", và Mỹ cũng đã đưa ra các ngoại lệ vì mục đích nhân đạo.