“Chính sách trọng người tài
chính là chìa khóa thành công của nghiên cứu KH&CN… Chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ
có những Nhà khoa học ưu tú, nhà khoa học nhân dân được vinh danh”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chia sẻ trong Hội nghị tổng kết 7 năm triển
khai Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN (2004 - 2011) tổ chức ngày 15/12/2011
tại Hà Nội.
Hội nghị tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý,
hoạt động và tổ chức KH&CN
Nhìn lại 7 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn
Quân đã tổng kết những bước tiến quan trọng: Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo
thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ các công trình trọng điểm; góp phần đưa
nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động trước kế hoạch 2 năm; một trong 10 nước
đầu tiên trên thế giới tạo giàn khoan tự nâng 90 m nước; đi đầu trong khu vực
Đông Nam Á về nghiên cứu tế bào gốc; thành công trong điều trị nhiều bệnh hiểm
nghèo, chế tạo vacxin, mổ ghép tạng; đứng thứ 2 xuất khẩu gạo thế giới; ….
Trong năm 2006 - 2010, Việt Nam đã có gần 14.000 lượt cán bộ quản lý KH&CN được
đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực quản lý KH&CN, sở hữu trí tiệu, tiêu chuẩn -
đo lường - chất lượng, năng lượng,…; hơn 2.000 lượt cán bộ nghiên cứu trong các
trường đại học tổ chức KH&CN tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh tế -
kỹ thuật để chuẩn bị thi nâng ngạch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá, “Chúng ta có thể làm được cầu dây
văng nhưng người tổng chỉ huy vẫn là người nước ngoài. Chúng ta có thể đóng được
tàu 100 ngàn tấn nhưng thiết kế và chỉ đạo vẫn là chuyên gia nước ngoài…”
Nhân lực là điểm yếu nhất trong đổi mới KH&CN
Theo hướng đổi mới của Bộ KH&CN, trong thời gian tới cần bổ sung thêm những chức
vụ “Kỹ sư trưởng”, “Tổng công trình sư” trong hệ thống ngạch, bậc, viên chức kèm
những chế độ đãi ngộ, giao quyền cho các nhà khoa học để họ có thể làm chủ được
các công trình, các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng định hướng để đổi mới được cơ chế quản lý của ngành
nhân lực, chính phủ và các Bộ ngành cần đổi mới phương thức đãi ngộ nhân lực
khoa học khi thực hiện hoạt động KH&CN thỏa đáng, đặc biệt với những nhà khoa
học đầu ngành, tham gia các đề tài, dự án cấp quốc gia, các nhà khoa học có
trình độ quốc tế, bao gồm cả các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa
học nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Ưu tiên phát triển thị trường công nghệ
Trong giai đoạn 2006-2010, số lượng giao dịch mua bán công nghệ ở Việt Nam đã
tăng hơn 3 lần, tổng giá trị giao dịch thông qua các hợp đồng được ký kết tăng
2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005 và đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Năm 2008, Bộ KH&CN đã đề xuất và cùng Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp sửa đổi, trong đó quy định doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận
trước thuế thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có từ 0,1- 0,3 doanh thu của các doanh nghiệp được đầu tư
cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ. Trong khi đó, đầu tư
cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở Ấn Độ khoảng 5% và Hàn Quốc là 10%
doanh thu doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho hay, chỉ tính riêng lĩnh
vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền
tỷ để mua công nghệ nước ngoài nhưng lại dè dặt khi bỏ tiền đầu tư phát triển
KH&CN cho chính doanh nghiệp mình.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, phát triển thị trường công nghệ là một trong
những ưu tiên hàng đầu trong công tác đổi mới hoạt động KH&CN. Bộ trưởng cho
biết Bộ KH&CN đã trình chính phủ đề án phát triển thị trường KHCN trong đó coi
trọng coi trọng tổ chức các dịch vụ trung gian, tư vấn, môi giới, đánh giá, định
giá, thẩm định KHCN công nghệ giúp mở rộng cung cầu KHCN.
Theo định hướng của đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ
chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học”, để phát triển thị trường công
nghệ cho giai đoạn đến 2015, Bộ KH&CN sẽ xây dựng cơ chế hữu hiệu huy động các
nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt đồn KH&CN, sửa đổi Luật Thuế Thu nhâp
doanh nghiệp theo hướng tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo trích
tối thiểu 10% (tối đa 20%) lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KH&CN của
chính doanh nghiệp hoặc của tỉnh, thành phố.
-
Diệu An