XEM VIDEO:

Ngày 12/2, hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đã có bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải về công tác cứu hộ của đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi động đất có tâm chấn tại Kahramanmaras, tàn phá 10 tỉnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2, một đội ngũ gồm 24 nhân viên cứu nạn, cứu hộ cùng với đồ nghề, trang thiết bị và chó nghiệp vụ từ Việt Nam tới đây để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

Đại sứ cho biết, do thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, bão lũ nên Việt Nam đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải tại hiện trường. Ảnh: Anadolu Agency

Ông Đỗ Sơn Hải chia sẻ, đã có dịp tới thăm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, song chưa thấy một trận động đất nào có cường độ và tần suất liên tục như ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải khẳng định: “Chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam gửi một đội cứu nạn, cứu hộ ra nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là một trong số những đội tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ đầu tiên đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ”.

Còn Đại tá Nguyễn Minh Khương, phụ trách đội tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, cho biết họ là những chiến sĩ công an cứu nạn, cứu hộ đến từ Bộ Công an.

Đội cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tại hiện trường. Ảnh: Anadolu Agency

Đại tá Khương cho biết: “Chúng tôi tới sân bay Adana sau hơn 30 giờ bay. Từ đó, theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) chúng tôi đã lên xe buýt tới địa điểm cần giúp đỡ.

Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tòa nhà đổ nát. Chúng tôi chia thành 2 nhóm để tìm kiếm, cứu nạn”.

Hãng thông tấn Anadolu cũng tường thuật cuộc cứu nạn thành công của đoàn Việt Nam với thiếu niên mắc kẹt 138 giờ sau động đất.

Chiều tối 11/2, đoàn cứu hộ Việt Nam được giao nhiệm vụ tìm kiếm hơn 10 người mất tích ở một khu sập đổ của thành phố Adiyaman, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ xuống âm độ.

Sau khi dọn dẹp sơ bộ hiện trường, loại bỏ các yếu tố đổ sập gây nguy hiểm, đoàn cứu hộ Việt Nam đã phát hiện dấu hiệu có người còn sống dưới đống đổ nát. Đoàn đã giao tiếp với nạn nhân và xác định có người sống sót nên lên phương án giải cứu.

Thiếu niên 14 tuổi được đội cứu hộ Việt Nam và Pakistan giải cứu, đưa vào xe cấp cứu. Ảnh: Anadolu Agency

Cùng lúc, đoàn cứu hộ của quân đội Pakistan làm nhiệm vụ sau hông tòa nhà cũng dùng sóng siêu âm và khẳng định có người còn sống sót bên dưới. Sau hai giờ nỗ lực, lực lượng cứu hộ Việt Nam và Pakistan đã đưa được một nạn nhân 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, nạn nhân được cứu sống là Abuzer Baran Bakir. Tính đến thời điểm được giải cứu, Bakir đã bị mắc kẹt hơn 5 ngày. Thiếu niên này đã được xe cấp cứu đưa tới bệnh viện để điều trị.