XEM VIDEO:
Dù mới bắt đầu nhiệm kỳ nhưng chắc chắn Đại sứ đã tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Đại sứ yêu thích điều gì về văn hoá Việt Nam?
Tôi mới đến Việt Nam, mới ở Hà Nội và chưa có dịp đi nhiều, nhưng ấn tượng đầu tiên là dân số Việt Nam rất trẻ. Sức sống và sự sôi động này thể hiện ngay trong lĩnh vực kinh tế và tôi tin rằng chính điều này sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Hà Nội có rất nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như Văn Miếu, Hoàng Thành, đem đến cho tôi cảm nhận về Thủ đô Hà Nội là nơi giao thoa đầy hấp dẫn giữa truyền thống và hiện đại.
Trong quá trình phát triển đất nước, có thể kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố trên là điểm chung của Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản cũng chia sẻ nét tương đồng trong văn hóa, khi người dân 2 nước đều thích ăn các loại mì. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi hy vọng có cơ hội để thưởng thức các món ăn, không chỉ là phở, mà còn có thể là bún, miến, cao lầu…, tất cả món nước ở các vùng miền của Việt Nam để thưởng thức và so sánh giữa các hương vị với nhau.
Cùng hợp tác và ứng phó các vấn đề khu vực, quốc tế
Đại sứ có nhận định thế nào về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay và triển vọng của mối quan hệ này?
Nhậm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, tôi cảm thấy vô cùng vui mừng và vinh dự, đồng thời, cũng cảm nhận trách nhiệm nặng nề trên cương vị mới.
Năm qua, 2 nước đã nâng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á và trên thế giới.
Điều tuyệt vời và vô cùng ý nghĩa là việc nâng cấp quan hệ này được thực hiện vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Cách đây 10 năm, vào năm 2014, mối quan hệ 2 nước lúc đó là Đối tác chiến lược sâu rộng. Nhật Bản mong muốn cùng với Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, cùng nhau ứng phó và giải quyết những vấn đề của khu vực và trên thế giới.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, không chỉ về mặt kinh tế. Vai trò của Việt Nam ngày càng được tăng cường và coi trọng. Chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác giữa 2 nước được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực một cách toàn diện.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tôi là làm sao để 2 nước, trong những năm kế tiếp, cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác quan hệ chiến lược toàn diện.
Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng? Ông có thể cho biết một số dự án mà 2 nước đang hợp tác trong lĩnh vực này?
Tôi nhấn mạnh, điều cần thiết là phải tăng cường quan hệ ở nhiều phương diện và điều đầu tiên chính là sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Tôi nhận thấy lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác từ cấp nhà nước đến tư nhân.
Trong hợp tác an ninh quốc phòng, điều đầu tiên phải kể đến là Nhật Bản sẽ cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam.
Chúng tôi cũng thực hiện những hợp tác về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng. Ngoài ra, sự hợp tác còn được tiếp tục thông qua chuyển giao thiết bị, công nghệ cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Cụ thể, phía Nhật Bản đã hợp tác với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, thông qua hình thức viện trợ vốn vay để đóng mới 6 tàu tuần tra.
Với kinh nghiệm 40 năm trong ngành ngoại giao, Đại sứ đánh giá lĩnh vực ngoại giao nhân dân giữa 2 nước cần được chú trọng thế nào?
Trong suốt thời gian qua, trên cơ sở quan hệ hợp tác tốt đẹp, Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hơn nữa, làm sâu sắc hơn nữa giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục và nguồn nhân lực.
Sự quan tâm và hiểu biết về Nhật Bản của người dân Việt Nam là vô cùng quan trọng đối với việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.
Với ý nghĩa đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã mở Trung tâm Thông tin Văn hóa để giới thiệu về Nhật Bản, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.
Chúng tôi muốn mở rộng sự giao lưu với người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.
Việt Nam có dân số trẻ đông đảo. Đại sứ dự định sẽ giao lưu với thế hệ trẻ và thúc đẩy hợp tác về giáo dục và nghề nghiệp giữa hai nước thế nào?
Chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều người dân Việt Nam, thanh thiếu niên Việt Nam ghé thăm Trung tâm nói trên.
Chúng tôi cũng tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu về văn hóa Nhật Bản. Thông qua hoạt động của Trung tâm này, tôi hy vọng người dân Việt Nam sẽ trở nên yêu thích Nhật Bản, cảm thấy gần gũi và có nhiều người đến Nhật Bản du học, làm việc và sinh sống.
Người Việt Nam có những đóng góp to lớn cho phát triển KT-XH của Nhật
Nhật Bản đang có nhu cầu đối với người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động trẻ chủ yếu ở lĩnh vực nào? Nhật Bản có những chính sách nào để thu hút lao động Việt Nam?
Hiện tại, có khoảng 570.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Trong số đó, những người đi theo diện lao động là 420.000 người, đứng đầu trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động tại Nhật Bản.
Nhật Bản đang đối diện với sự già hóa dân số - một vấn đề cấp bách dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lao động.
Người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản.
Việc người lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm và sang Nhật Bản làm việc có một ý nghĩa lớn và quan trọng.
Người Việt Nam đóng vai trò tích cực ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Nhật Bản, ví dụ như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Chính phủ Nhật Bản luôn nỗ lực để cải thiện cơ chế tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Với những cải thiện trong cơ chế, từ năm 2019, các lĩnh vực, ngành nghề người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Nhật Bản được mở rộng.
Chúng tôi có thêm cơ chế thực tập sinh kỹ năng lao động cao, giúp người lao động có quyền ở lại Nhật Bản trong thời gian dài hơn. Điều này đem đến nhiều cơ hội cũng như nhiều quyền lợi cho người lao động Việt Nam.
Người Việt Nam trở về quê hương sau thời gian học tập và lao động tại Nhật Bản có thể tiếp tục làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đây là một vòng tuần hoàn tạo ra lợi ích cho 2 quốc gia.
Lao động sang Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, tay nghề để đạt được quyền lưu trú lâu dài hơn.
Việt Nam và Nhật Bản có những cơ hội nào để hợp tác trong 3 lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn? Nhật Bản có nhu cầu sử dụng và kế hoạch đào tạo như thế nào với nhân lực chất lượng cao về công nghệ của Việt Nam, thưa Đại sứ?
Những lĩnh vực công nghệ cao như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn là những lĩnh vực quan trọng với mọi quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng trong mối quan hệ hợp tác 2 nước.
Nhật Bản đang phát triển một số dự án đầu tư quy mô lớn về bán dẫn, đồng thời cũng đang đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Tôi hy vọng người lao động Việt sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng, tay nghề.
Họ chính là nguồn nhân lực chất lượng, có thể quay trở về Việt Nam cống hiến, đóng góp khi Việt Nam có thể thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Chúng ta đã có chương trình Sáng kiến chung Nhật Bản –Việt Nam. Tháng 3 năm nay, 2 nước đã đưa chương trình này lên một giai đoạn mới – Sáng kiến chung Nhật - Việt trong kỷ nguyên mới, trong đó có đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng tay nghề cao.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn.
Đại dịch Covid-19 đặt ra vấn đề đối với tất cả doanh nghiệp, trong đó có tăng cường dịch vụ cung ứng ở châu Á để tránh đứt gãy. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do chính phủ Nhật Bản thực hiện khảo sát cho thấy các doanh nghiệp muốn tìm điểm đến đầu tư mới tại Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất và 10% trong số đó thuộc lĩnh vực bán dẫn.