Bị đánh đập, trừ lương, bán qua lại các casino
Tối 22/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết quá trình điều tra mở rộng vụ việc 42 người Việt tháo chạy từ casino Campchia về Việt Nam, cơ quan công an bước đầu xác định được 4 đường dây mua bán người liên quan.
Theo đó, quá trình xét hỏi số công dân nói trên, họ khai nhận thông qua không gian mạng và người quen, họ bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc, với lời hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao".
Sau khi được đưa đến các casino, những công dân này mới nhận ra công việc họ làm không như lời hứa. Họ cho biết, hàng ngày bị các đối tượng ở casino ép lên mạng lừa đảo người khác nạp tiền, đánh bài qua mạng…
Dù bị ép làm việc vi phạm pháp luật, nhưng nếu làm không đủ chỉ tiêu chúng giao, số công dân này sẽ bị những người ở casino đánh đập, trừ lương, thậm chí không trả lương. Chưa dừng lại, bọn chúng còn ép các nạn nhân liên hệ với người nhà mang tiền đến chuộc. Có những người bị bán qua lại các casino làm việc.
Từ những bức xúc đó, số công dân trên bàn bạc, tìm cách tháo chạy khỏi casino về nước.
Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, quá trình ghi lời khai số công dân tháo chạy từ casino bên Campuchia về An Giang, công an tỉnh bước đầu ghi nhận các dấu hiệu của tội phạm Mua bán người và Đưa người xuất nhập cảnh trái phép.
Từ đó, Công an An Giang tiến hành điều tra, phát hiện 4 đường dây Mua bán người xuất hiện ở các tỉnh thành, móc nối với số đối tượng ở Campuchia đưa lao động người Việt vào các casino lao động bất hợp pháp.
"Chúng tôi đã báo cáo Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh thành có đường dây mua bán người tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây", Đại tá Đinh Văn Nơi cho hay.
Hiện Công an Campuchia đang phối hợp với Công an An Giang, cùng các ngành chức năng tỉnh hoàn thành các thủ tục trao trả 11 công dân còn lại qua đường ngoại giao.
Lực lượng chức năng 2 nước sẽ phối hợp mở rộng điều tra các đường dây Mua bán người; Tổ chức đưa người khác xuất nhập cảnh trái phép - ông Nơi khẳng định.
Đưa khách qua Campuchia nhận công 100.000 đồng/người
Quá trình điều tra làm rõ dấu hiệu của tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, trên địa bàn tỉnh An Giang, đại tá Nơi cho hay, cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng liên quan.
Tới chiều 22/8, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Quá trình điều tra, công an xác định trong số 42 người trốn khỏi casino ở Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép.
Lệ khai nhận, tháng 5 vừa qua, chị ta được một người đàn ông không rõ lai lịch câu móc tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia.
Người phụ nữ này sau đó kết nối với Danh tham gia đón khách xuất cảnh, chở đến bến sông bờ Việt Nam để giao cho Lệ đưa sang Campuchia.
Theo thỏa thuận với người đàn ông không rõ lai lịch, khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/người.
Ngoài việc đưa 6 người trong vụ 42 người trốn casino bơi về Việt Nam , Lệ nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều người xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Những lao động này đều sang làm trong các casino.
Khoảng 9h45 ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú) phát hiện, tạm giữ 40 người (35 nam, 5 nữ) bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Họ được cho là xuất hiện từ hướng gần Casino Rich World (trước đây tên Casino Kinh Sa), thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) - đối diện chốt 21, rồi bơi qua sông Bình Di.
Theo kết quả xác minh ban đầu, có 42 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trong đó chốt bảo vệ biên giới giữ được 40 người, 1 trường hợp bơi qua sông mất tích, 1 người làm bảo vệ ở casino.
Theo Dân trí