Báo cáo với cử tri, Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết, vừa qua nhân dân tham gia tố cáo các tệ nạn xã hội rất nhiều, với số lượng thông tin rất lớn, góp phần giúp cho lực lượng công an tập trung điều tra, khám phá xử lí rất nhanh các vụ việc liên quan và tỉ lệ điều tra khám phá rất cao.
“Sắp tới, Công an tỉnh An Giang tiếp tục thiết lập các đường dây nóng mới, mở ra nhiều kênh thông tin cho nhân dân tố giác”, Đại tá Nơi nhấn mạnh.
Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang trả lời chất vấn tại kì họp. |
Bên cạnh đó, tập trung tăng cường lực lượng công an chính quy xuống cơ sở, Bộ Công an quy định là 5 người nhưng riêng Công an tỉnh An Giang sẽ tăng cường 7 – 10 người để truy quét tội phạm ở cơ sở và lập các chốt ANTT ở những nơi xa trụ sở công an, cũng như các điểm vắng thường xuyên phát sinh tội phạm.
“Nếu như địa phương nào, lực lượng công an để tội phạm hoạt động, không quản lí địa bàn, không quản lí đối tượng, không triệt xoá để nhân dân phản ánh; khi xử lí xong, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm, kỉ luật đối với các cán bộ ở địa phương đó. Thời gian qua, chúng tôi làm rất nghiêm túc vấn đề này nên tình hình tiếp tay, quen biết, không đấu tranh cương quyết giảm rất sâu” – Giám đốc công an tỉnh An Giang khẳng định.
Liên quan đến tín dụng đen, với thủ tục vay nhanh gọn khiến nhiều người sập bẫy, Đại tá Đinh Văn Nơi phân tích, các đối tượng cho vay nặng lãi thông thường là những người có tiền án, tiền sự như: Cố ý gây thương tích, giết người, đòi nợ thuê,... Với cách thức gọi điện thoại, nhắn tin; thậm chí, lấy hình ảnh đăng lên mạng xã hội, rồi chia sẻ, bình luận uy hiếp là những thủ đoạn mà loại tội phạm này sử dụng trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, loại hình tín dụng đen còn liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua kiểm tra 508 cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến ANTT, Công an tỉnh An Giang phát hiện có 124 cơ sở dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen.
Đại tá Đinh Văn Nơi nhận định: “Nhiều bà con cũng nhầm lẫn về vấn đề này. Do đó, bọn tín dụng đen lợi dụng lúc cho vay đàm phán rất là ngon nhưng mà khi vay vào rồi thì rất nhiều hệ luỵ. Theo tôi, công tác tuyên truyền, phân tích các loại tội phạm này cho nhân dân phòng ngừa là vô cùng quan trọng”.
Quang cảnh kì họp. |
Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng hoạt động tín dụng đen; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn để có biện pháp ngăn chặn.
Đồng thời, Công an tỉnh An Giang sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt điều tra liên quan về tội danh này.
“Tổ công tác này phải có chuyên môn, trình độ cao, đầy đủ các thiết bị, khi dân báo tin là phải xử lí được. Bởi chúng dùng nhiều thủ đoạn, mình phải nhanh thì mới có đủ chứng cứ và đủ hành vi để khởi tố hình sự. Thậm chí, bàn với viện kiểm sát và toà án đưa ra xét xử lưu động nhằm đảm bảo cho việc răn đe và giáo dục phòng ngừa chung. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này”, Đại tá Nơi thông tin.
Cũng theo Đại tá Đinh Văn Nơi, tội phạm công nghệ cao cũng gây nhức nhối. Thời gian vừa qua, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố 6 vụ, đang điều tra củng cố 15 vụ. Với các thủ đoạn như: Giả danh liên kết với người nước ngoài, thông qua mạng xã hội kết bạn với bị hại và yêu cầu gửi tiền để nhận quà có giá trị; giả danh cán bộ thực thi pháp luật gọi qua điện thoại, lập trang web giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại; chúng nói rằng bị hại có liên quan đến một vụ án nào đó hay vấn đề về pháp luật. Khi bị hại cung cấp tất cả các thông tin thì lúc đó đối tượng bắt đầu có nhiều động thái uy hiếp,....
Với loại tội phạm này, cần phải nói rõ về phương thức thủ đoạn cho người dân biết. Vì chúng liên tục thay đổi phương thức nên lực lượng công an cũng phải liên tục cập nhật để kịp thời tuyên truyền cho người dân biết và đẩy mạnh công tác tiếp nhận tin báo, thiết lập tin báo, các kênh thông tin vững chắc để người dân báo cáo những hành vi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao nhằm củng cố chứng cứ, hành vi xử lý hình sự. Vấn đề này cũng nằm trong kế hoạch của tổ công tác đặc biệt nói trên.
Theo Tiền phong