Thông tin được Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, chia sẻ tại sự kiện hưởng ứng Ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới (14/11).

Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao. Đường máu lúc đói trên 7 mmol/l và sau ăn (hoặc đo bất cứ lúc nào trong ngày) trên 11 mmol/l. Ông Dương cho biết theo điều tra năm 2012, hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, con số này đã lên đến gần 7,3%. Nghĩa là gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc căn bệnh này ở nước ta tăng gần gấp đôi.

Điều quan trọng là hơn 2,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện. "Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi họ được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh", ông Dương nói.

a-duong-kcb-1.png
Theo ông Vương Ánh Dương, 70% ca đái tháo đường typ 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn. 

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân ra hàng triệu ca tử vong, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi.

Trong khi đó, 70% ca đái tháo đường type 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện lối sống khỏe mạnh như không hút thuốc, hạn chế tối đa rượu bia, tích cực rèn luyện thể lực, khẩu phần ăn hợp lý. Sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường cũng là cách quản lý bệnh hiệu quả.

Liên quan đến đái tháo đường trẻ em, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết không chỉ gia tăng số trẻ mắc bệnh type 1 mà còn type 2, liên quan nhiều tới lối sống, tình trạng béo phì ở trẻ. Mới đây, một bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện mắc đái tháo đường type 1. Gia đình cho biết trong 3 tuần, bé sụt 3kg, tiểu nhiều ban đêm.

Theo bác sĩ Điển, đái tháo đường type 1 là bệnh phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Trẻ mắc đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin suốt đời mới có cơ hội sống.

"Bệnh được xem là bẩm sinh, di truyền, có yếu tố gia đình. Khi phát hiện được ở mọi lứa tuổi kể cả sơ sinh, trẻ lớn. Nhiều trẻ lớn mắc bệnh khi đến bệnh viện đã trong tình trạng sốc, hôn mê, kèm theo các tình trạng bệnh lý khác", bác sĩ Điển nói. 

tieuduong-1.jpeg
Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội phát hiện mắc đái tháo đường tuýp 1. 

Nhiều bệnh nhi phát hiện đái tháo đường ngay khi vừa chào đời. Đáng nói, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn, hô hấp và tri giác của bé.  

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều năm trước, các bác sĩ chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca một năm nhưng những năm gần đây, mỗi năm viện tiếp nhận thêm hàng trăm ca. Trong 1.000 ca bệnh viện đang điều trị ngoại trú ở bệnh viện, khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận. 

"Mặc dù bảo hiện y tế hiện chi trả toàn bộ thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng trực tiếp cho gia đình", bác sĩ Điển nói.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV