Trong thế kỷ 20, trong thời đại Hồ Chí Minh, trước những thử thách nghiệt ngã chưa từng có trong lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra cả một "thế hệ vàng" những người lãnh đạo kiệt xuất. Nguyễn Chí Thanh là một trong những người Việt Nam như vậy.

{keywords}
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nói đến một vị tướng toàn vẹn, đức độ "sáng trong như ngọc", tài năng thao lược xuất chúng, Đại tướng của quân đội và cũng là Đại tướng của nhân dân. Ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nhưng giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, lại đúng vào thời kỳ mà thực dân Pháp cấu kết chặt chẽ với phong kiến bán nước xiết chặt ách áp bức, bóc lột đối với nhân dân ta. Mới 14 tuổi, Ông đã tham gia những hoạt động chống thực dân, phong kiến, rồi sau đó sớm đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Lòng yêu nước, chí cách mạng, với tài năng thiên bẩm, lại được rèn luyện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đấu tranh vũ trang, được sự tin yêu của Đảng và Bác Hồ, tất cả đã làm nên một nhân cách, một tài năng Nguyễn Chí Thanh. Và chính cuộc đời hoạt động hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của Ông đã để lại cho lớp lớp các  thế hệ chúng ta một tấm gương mẫu mực, một tấm gương "sáng trong như ngọc".

Trước hết, đó là tấm gương tận trung, tận hiếu với nước, với dân, với Đảng, với Bác Hồ. Lăn lộn trong phong trào cách mạng, lúc tham gia, lúc được giao trọng trách, lúc hoạt động bí mật, lúc công khai, cả khi bị tù đày, bao giờ Ông cũng giữ vững lòng trung ấy. Lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Ông xuất phát tự đáy lòng, không khiên cưỡng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với bất cứ nhiệm vụ gì, Ông đều tận tâm, tận lực vì Đảng, vì dân. Lòng trung thành vô hạn của Ông hiển hiện cả trong lời nói, trong bài viết, trong việc làm, nhất là trong việc làm. Tất cả đều nhất quán, trở thành bản lĩnh Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng là tấm gương một con người gắn bó với thực tiễn, luôn coi thực tiễn là mảnh đất hiện thực cho mọi hoạt động và là đích đến của mình. Bản lĩnh của Ông, tư cách và năng lực của Ông là yếu tố quyết định để Đảng và Bác Hồ tin cậy, giao cho Ông những trọng trách lớn và đa lĩnh vực, có khi tưởng chừng trái ngược nhau, mà đó lại là những lĩnh vực, những công việc đòi hỏi tài năng lãnh đạo, tài năng tổ chức thực tiễn.

Có thể nói, ở đâu, lúc nào Ông cũng bám sát dân, bám sát bộ đội, phân tích thực tiễn và tìm ra những vấn đề mà thực tiễn đang cần câu trả lời. Cũng nhờ có hoạt động thực tiễn như vậy, Ông đã giải quyết thành công nhiều vấn đề nóng bỏng trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự chuyển biến có ý nghĩa chiến lược của cách mạng. Nguyễn Chí Thanh là một nhà lý luận, có biệt tài khái quát lý luận, nhưng lý luận của Ông hòa quyện nhuần nhuyễn với thực tiễn, chẳng những có giá trị chỉ đạo thực tiễn mà còn đi thẳng vào lòng người, đi thẳng vào quần chúng, trở thành sức mạnh của phong trào cách mạng.

Học tập Nguyễn Chí Thanh, chúng ta học tập một mẫu mực về tư duy năng động, nhạy bén, sắc sảo và cũng là một mẫu mực về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trung thành với lý luận Mác-xít, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối, quan điểm của Đảng, nhưng Ông luôn vận dụng sáng tạo trong những tình hình cụ thể, ở những nhiệm vụ, những lĩnh vực cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Ông dám sáng tạo, dám đề xuất ý kiến vì Ông có cơ sở nắm bắt chắc chắn tình hình thực tiễn, vì những đề xuất của Ông thể hiện đúng "tinh thần xử trí mọi công việc" mà Bác Hồ yêu cầu khi học tập lý luận. Gắn bó với thực tiễn, gắn bó với nhân dân, Ông nhấn mạnh phải theo "đường lối quần chúng", phải học tập quần chúng, học tập nhân dân, nhưng Ông đề cao vai trò người lãnh đạo, phê phán lối làm việc kiểu theo đuôi quần chúng. Nhờ gắn bó và học tập quần chúng, học tập nhân dân mà Ông tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, rèn giũa được tư duy, củng cố được nhận thức lý luận.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự và phát biểu tại Hội nghị Đảng bộ xã Đại Nghĩa, Hà Đông tháng 10-1961. Ảnh tư liệu.

Nguyễn Chí Thanh là con người của những đột phá. Đột phá trong những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá trong tổ chức thực tiễn, nhưng trước hết là đột phá từ chính tư duy. Có thể nói, Nguyễn Chí Thanh xuất hiện ở đâu thì ở đó có cái mới, là ở đó tình hình có những chuyển biến tích cực. Đấu tranh chính trị, gây dựng và củng cố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên đẩy lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chiến tranh du kích và từng bước gây dựng lực lượng chủ lực, chuẩn bị cho những trận đánh lớn hơn; bám sát bộ đội-những người nông dân mặc áo lính, giáo dục lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho họ, làm cho họ trở thành chiến sĩ cách mạng được vũ trang; bám sát nông dân và mặt trận nông nghiệp, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển biến tình hình nông thôn; bám sát chiến trường miền Nam, bám sát bộ đội, du kích và đồng bào, dấy lên phong trào "bám thắt lưng Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt", nhân rộng mô hình "Vành đai diệt Mỹ"...

Thực tiễn ấy đã chứng tỏ ở Ông luôn tiềm tàng một tư duy cách mạng mà khoa học, trung thành mà sáng tạo. Và chính Ông luôn cổ vũ cho sự sáng tạo ấy ở tất cả mọi người.

Học tập Nguyễn Chí Thanh là học tập một tấm gương sáng trong về đạo đức cách mạng, tấm gương mẫu mực về chống chủ nghĩa cá nhân. Ông chưa bao giờ tự cho mình là tấm gương đạo đức, nhưng đạo đức và lối sống của Ông, phong cách và việc làm của Ông được mọi người cảm phục, tự giác noi theo.

Sinh thời, Bác Hồ gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc - giặc nội xâm, một thứ giặc nguy hiểm hơn cả lũ xâm lược, vì nó luôn ẩn náu ở trong mỗi chúng ta, phải luôn cảnh giác và kiên quyết chống lại nó. Nguyễn Chí Thanh là một trong những người học trò đầu tiên của Người đã nổ những phát súng đầu tiên vào lũ giặc này - chủ nghĩa cá nhân. Không chỉ nói và viết để chống chủ nghĩa cá nhân, chính cuộc sống của Ông, một người liêm khiết, thanh bạch, giản dị, không màng danh lợi, chỉ một lòng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao phó, tự nó đã làm nên một tấm gương đạo đức.

Một trong những điều tôi tâm đắc là để học tập tấm gương Nguyễn Chí Thanh, hãy học chính cái sự học của Ông. Học ở nhà trường - một phần, học ở sách vở - một phần, còn cả đời Ông đã học tập quần chúng, học nhân dân, học đồng chí, đồng bào, và đặc biệt học Hồ Chí Minh. Nhờ học tập, học tập sáng tạo, ông vinh dự mang tên Nguyễn Chí Thanh - cái tên do chính Bác Hồ đặt cho!

Thiếu tướng, PGS, TS VŨ QUANG ĐẠO, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(Theo QĐND)