Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" diễn ra từ ngày 1-7/10 với sự tham gia của 51 tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, tập huấn cho nhân viên y tế cơ sở về nâng cao kiến thức trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Trong chương trình này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các huyện, trung tâm y tế huyện để tăng cường truyền thông về các dịch vụ liên quan đến làm mẹ an toàn; phương pháp truyền thông về sức khỏe sinh sản; thực hành một số hình thức truyền thông...
Từ đó giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn hoạt động truyền thông về “Làm mẹ an toàn” của cán bộ y tế cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về “Làm mẹ an toàn”, tuyên truyền người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở các vùng khó khăn giảm sự khác biệt về sức khỏe dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ giữa các vùng miền núi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Làm mẹ an toàn giúp nâng cao chất lượng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tối thiểu tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa nội dung giáo dục làm mẹ an toàn trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn làm mẹ an toàn phải hiểu biết về những gì cần làm trước, trong khi mang thai và sau sinh.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phát động tuần lễ "Làm mẹ an toàn” năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã hướng dẫn địa phương và các đơn vị liên quan triển khai tuần lễ "Làm mẹ an toàn" trong khuôn khổ Dự án 7- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu tuần lễ "Làm mẹ an toàn" là mỗi trạm y tế thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức ít nhất 1 hoạt động truyền thông về “Làm mẹ an toàn”; cung cấp thông tin về “Làm mẹ an toàn” cho 100% phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; cung cấp thông tin về “Làm mẹ an toàn” cho ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã, 30% số gia đình, đặt biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh tại xã.