Triển khai an toàn thông tin 4 lớp

Đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất từ Trung ương đến địa phương là một trong những chỉ đạo quan trọng về an toàn, an ninh mạng Việt Nam cho giai đoạn 2021 – 2025. Đây là định hướng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương tại Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp 4 lớp bao gồm: Lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống Giám sát Quốc gia.

{keywords}
Năm 2020, Tây Ninh triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp. Ảnh: VietNamNet. 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp, giúp các bộ, ngành, địa phương và các chủ quản hệ thống thông tin có định hướng trong việc thuê mua dịch vụ giám sát, an ninh mạng chuyên nghiệp, ngày 3/7/2020, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ra mắt các nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin. Đây là những nền tảng do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, sẵn sàng cung cấp dịch vụ ra thị trường và kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia.

Tại Tây Ninh, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được UBND tỉnh và các ban ngành đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2015 – 2020, mạng diện rộng của tỉnh kết nối tất cả các sở, ngành tỉnh tới UBND cấp huyện, cấp xã qua đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn, bảo mật khi truy cập các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

100% cán bộ công chức được trang bị máy tính để làm việc và các máy tính được cài đặt phần mềm phòng chống virus đảm bảo thực hiện đúng theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.

Tuy nhiên, nhiều máy tính đã được trang bị từ khá lâu, tốc độ xử lý chậm, chưa đáp ứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các hệ thống thông tin đầu tư sử dụng các công nghệ phần mềm mới, đòi hỏi các thiết bị máy tính phải có hiệu năng cao mới hoạt động ổn định và thông suốt.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, xây dựng đảm bảo cung cấp tài nguyên triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh. Trung tâm được trang bị hệ thống tường lửa, chống xâm nhập và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Trong năm 2020, tỉnh Tây Ninh đã thí điểm triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp. Đã triển khai thử nghiệm trục liên thông dữ liệu LGSP để kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số bộ, ngành và thử nghiệm kết nối Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia.

Về công tác đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin, hiện nay 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước tỉnh biết sử dụng máy tính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh và cấp huyện đã bố trí cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản trị, vận hành hệ thống thông tin dùng chung cho nhân sự phụ trách công nghệ thông tin. Bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm dùng chung của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Cử cán bộ tham gia các khóa “Đào tạo 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Đội Ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng thực hiện điều phối, tổ chức, phối hợp hỗ trợ các cơ quan nhà nước ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; làm đầu mối của tỉnh trong mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Quốc gia. Liên kết, phối hợp với các đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng của các tỉnh, thành phố khác nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT).

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực 

Nhằm tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin (ATTT), góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Tây Ninh đã xây dựng Kế hoạch Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tỉnh hướng đến đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Đặc biệt, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách ATTT nhằm đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của tỉnh và nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh Tây Ninh trên toàn quốc. Chủ động hình thành đội ngũ có chất lượng chuyên môn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, xác định rõ các nội dung công việc, phân công trách nhiệm thực hiện rõ ràng.

{keywords}
Tây Ninh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin. Ảnh: VietNamNet. 

Về giải pháp, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông ngắn hạn về ATTT theo hình thức tập trung hoặc trực tuyến cho nhân sự tại cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Truyền thông các kiến thức về quản lý, nhận thức và tầm quan trọng của ATTT cho đội ngũ lãnh đạo các cấp. Trang bị kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin.

Đào tạo cho Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng để bảo vệ hệ thống của tỉnh theo hình thức đào tạo chuyên sâu. Thường xuyên đào tạo, cập nhật kỹ năng, kỹ thuật ATTT và nghiệp vụ ATTT nâng cao, đào tạo theo hình thức thực tập thực tế, tại chỗ.

Tổ chức đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kiến thức và kỹ năng theo xu thế của thế giới. Chuẩn hóa kỹ năng ATTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Đào tạo kỹ năng ATTT theo cơ chế xã hội hóa.

Kinh phí thực hiện triển khai giai đoạn 2021-2025 là: 1.230.000.000 đồng.

Tuấn Kiệt