“Ai cũng muốn ngày trọng đại của mình thật đáng nhớ và có nhiều người thân, bạn bè đến chung vui. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng đám cưới diễn ra trong mùa dịch, nhất là ở nước ngoài thì phải theo cách đặc biệt”, chị Nguyệt Minh, người gốc TP.HCM hiện sinh sống ở bang Schwyz, Thụy Sĩ, nói với Zing.
Đầu tháng 5, chị cùng chồng là anh Martin (quốc tịch Đức) tổ chức hôn lễ ở biệt thự 127 tuổi, tọa lạc tại thành phố Feldkirch, Áo. Vì Covid-19, ngày vui của họ chỉ có chủ hôn, phù rể, phù dâu, chồng phù dâu và thợ chụp hình chứng kiến.
Hôn lễ đặc biệt của chị Nguyệt Minh và anh Martin trong mùa dịch. |
Để lễ cưới thêm “đông đúc”, chị Minh lấy 60 vỏ trứng, vẽ thêm khuôn mặt để tượng trưng cho dàn khách mời của hai bên gia đình. Hình ảnh về “đám cưới trứng” của chị sau khi xuất hiện trên mạng xã hội bất ngờ nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Hai lần hoãn cưới
Chị Nguyệt Minh sinh sống và làm việc tại Áo 6 năm nay. Chị quen anh Martin từ hơn 4 năm trước nhưng không có nhiều cơ hội trò chuyện. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến châu Âu đóng cửa, hai người tâm sự nhiều hơn do có chung đam mê nhiếp ảnh.
Tháng 8/2020, anh Martin ngỏ lời yêu chị Minh. Chỉ 3 tháng sau, họ quyết định đi tới hôn nhân.
Chị Minh chọn đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới ở Áo để đơn giản thủ tục. Sau 3 lần đi lại giữa Áo và Thụy Sĩ, nơi anh Martin sinh sống, cùng một đợt cách ly, vợ chồng chị mới lo liệu đủ giấy tờ.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ hai ở châu Âu khiến đám cưới của họ phải hoãn tới cuối tháng 4/2021.
“Khi tôi lên phường hỏi ngày đăng ký kết hôn có bao nhiêu người được tham dự, họ trả lời là tối đa là 5 gồm cô dâu, chú rể, phụ dâu, phụ rể và thợ chụp hình. Giai đoạn này, cấm tụ tập đông người, chỉ tối đa 2 gia đình được gặp nhau”, chị Minh kể.
Chủ hôn người Áo làm lễ cho vợ chồng chị Minh - anh Martin. |
Vợ chồng chị nhờ đồng nghiệp làm phù dâu và phù rể, đặt nhà hàng, khắc ngày trọng đại 29/4/2021 lên nhẫn cưới. Bộ áo dài cô dâu của chị Minh cũng được em gái gửi từ Việt Nam sang.
Tưởng chừng mọi thứ đều êm xuôi, 10 ngày trước hôn lễ, anh Martin bất ngờ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đám cưới một lần nữa phải trì hoãn.
Một tuần sau khi anh Martin được chữa khỏi bệnh, hai người chọn ngày cưới mới vào đầu tháng 5. Lúc này, đám cưới ở Thụy Sĩ cho phép khách mời ăn uống ở ngoài trời.
Tuy nhiên, vì dự báo thời tiết có mưa cả ngày, chị Minh quyết định cưới xong ở Áo sẽ trở về nhà, tự nấu lẩu, làm bánh bò đãi khách.
Hôn lễ 4 khách mời
Ngày tổ chức hôn lễ, chị Minh dậy từ 6h chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn. Sau đó, chị tự trang điểm, làm tóc, trong khi vị hôn phu dọn nhà.
Đúng 12h30, 4 khách mời gồm phụ rể, phụ dâu, chồng phụ dâu và thợ chụp ảnh có mặt ở nhà chị Minh ở bang Schwyz, Thụy Sĩ. Tất cả lên xe để di chuyển từ tới thành phố Feldkirch của Áo, cách đó hơn 80 km. Trên đường đi, chị Minh gọi video về cho mẹ ở Việt Nam.
Ở biên giới Lichtenstein, quốc gia nói tiếng Đức nhỏ nhất thế giới, cảnh sát yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Thấy cô dâu, chú rể ngồi trong ôtô với bó hoa cưới, họ đồng ý cho qua.
Đúng 14h, chị Minh - anh Martin cùng dàn khách mời có mặt tại hôn trường. Điều đặc biệt là cô dâu người Việt, chú rể và phụ rể quốc tịch Đức, chủ hôn người Áo, vợ chồng phụ dâu người Pháp, thợ chụp hình đến từ Bồ Đào Nha.
Trong không khí ấm áp và tiếng nhạc du dương, chị Minh và anh Martin trao nhẫn cưới, ký tên vào giấy đăng ký kết hôn. Người chủ hôn tặng họ lọ muối, tượng trưng cho sự lâu dài.
Vợ chồng chị Minh dùng trứng trắng, nâu - tượng trưng cho màu da của chú rể và cô dâu - để thay cho người thân hai bên không thể có mặt. |
Hôn lễ kết thúc bằng màn nâng ly rượu vang chúc mừng. Sau đó, 6 người lên đường về nhà, quây quần bên nồi lẩu Thái do bàn tay đảm đang của cô dâu thiết kế.
Cuộc sống sau hôn nhân của chị Minh - anh Martin rất bình lặng. Trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục để đi làm, chị tranh thủ trồng rau thơm, hoa ngoài ban công mùa hè.
Hàng ngày, người vợ trẻ chuẩn bị đồ ăn cho chồng mang đi làm và tự học thêm tiếng Đức. Khi anh Martin được nghỉ, hai vợ chồng mới cưới lái xe đi dạo chơi, chụp ảnh.
Nhớ lại lễ cưới trong mùa dịch, chị Minh cảm thấy may mắn song cũng có chút chạnh lòng khi người thân, bạn bè không thể có mặt. Chị hy vọng dịch sớm qua đi để có thể về Việt Nam làm đám cưới.
Theo Zing
Bản làng 19 năm nói 'không' với bia rượu, dù đám cưới hay lễ hội
19 năm nay, người dân ở bản Cupua (thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) không sử dụng rượu bia trong cuộc sống hàng ngày cũng như tất cả các dịp lễ lớn, nhỏ. Dân làng nơi đây, ai cũng tự hào vì việc này.