Một ngày sau lễ cưới, chú rể Xuân Thịnh, 30 tuổi, cùng cô dâu Tuyết Hoa, 24 tuổi, ở Đà Lạt vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi khi lễ cưới được diễn ra trên tàu hoả chạy quãng đường chừng 7km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát và ngược lại.
Trang trí toa tàu cổ ở ga Đà Lạt tổ chức lễ cưới cho đôi uyên ương. Video: Ngọc Mai
Chuyện tình cặp đôi cùng ngành
Thịnh quê ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, làm nhân viên trực ban chạy tàu của ga Đà Lạt – Trại Mát, được chừng 8 năm. Mai Hoa làm ở bộ phận kinh doanh. Thịnh chia sẻ, ở nơi làm việc, anh ấn tượng với Hoa bởi giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng. Qua những lần trò chuyện, anh thấy cả hai luôn vui vẻ.
Những lần tiếp xúc, anh phát hiện hai người có chung sở thích yên tĩnh, thường tìm tới những địa điểm, quán cà phê lãng mạn, phong cách cổ điển. "Mưa dầm thấm đất" anh thực sự đã yêu nữ đồng nghiệp này từ lúc nào không hay.
Chàng trai nhớ lại, hôm đó, hai người tới một quán ăn quen thuộc, gọi những món theo sở thích. Trong tiết trời se lạnh kèm nhạc du dương, Thịnh không còn ngần ngại bày tỏ tình cảm của mình. Còn Hoa vô cùng cảm động trước những lời chân thành của anh. Họ đến với nhau bằng tình cảm dung dị, chân thành nhất.
Chia sẻ về tình yêu của mình, Thịnh nói, đó giống như sự sắp đặt duyên số. Hoa nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và vun đắp cho tình cảm của hai người. “Cả hai làm chung ngành, thu nhập không bao nhiêu, nhưng cô ấy đã khiến tôi phải luôn vận động, sống trách nhiệm hơn, nhìn về tương lai tích cực hơn”, Thịnh tâm sự.
Vốn làm chung ngành, lại có đam mê những gì thuộc về hoài cổ, ảnh cưới của Thịnh và Hoa đều liên quan đến ngành đường sắt, các địa điểm thường ghé và khung cảnh của Đà Lạt. Tới khi tổ chức lễ cưới, họ tới ga Đà Lạt nơi cả hai đang làm việc. Lúc này, lãnh đạo Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang muốn làm điều gì đó thật đặc biệt. Thịnh và Hoa cũng xin ý kiến gia đình và được ủng hộ.
Ý tưởng tổ chức cưới được định hình hồi tháng trước. “Lúc đầu, vợ em còn sợ mọi người bảo mình chơi ngông, nhưng sau đó không còn nghĩ tới điều đó nữa”, chàng trai kể và bày tỏ lòng biết ơn khi được công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí.
Đám cưới đặc biệt trên toa tàu cổ
Sau thời gian chuẩn bị, chiều 22/12, lần đầu tiên ngành đường sắt Việt Nam tổ chức đám cưới cho đôi uyên ương là nhân viên làm việc tại ga Đà Lạt, thuộc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Đầu tàu cùng những toa xe lửa được trang trí hoa lộng lẫy. 15h30, đầu tàu xe lửa cổ mang dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023)", kéo theo những toa xe xình xịch kết hoa rời ga Đà Lạt đến Trại Mát và ngược lại. Đoàn tàu chầm chậm lăn bánh, ngang qua những cánh rừng thông, vườn rau xanh mát, cùng những vườn hoa khoe sắc.
Bên trong toa tàu cổ, lễ cưới Thịnh và Hoa diễn ra với sự góp mặt của người thân, bạn bè, những đồng nghiệp và lãnh đạo ngành đường sắt. Những chén rượu giao bôi được bạn trẻ trao nhau trong tiết trời Đà Lạt vào đông, se lạnh đầy lãng mạn, độc đáo. Đôi trẻ trong trang phục áo vest, váy cô dâu nhận những lời chúc mừng hạnh phúc.
Tham dự lễ cưới trên toa tàu, ông Đặng Sỹ Mạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho hay, đây là lần đầu tiên lễ cưới được tổ chức trên toa tàu. Ban đầu, đơn vị muốn hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên của ngành nhưng sẽ nghiên cứu mở ra loại hình dịch vụ này để tạo sự khác biệt và phục vụ du khách khi họ muốn trải nghiệm.
Sau lần này, ngành đường sắt sẽ tính toán mở rộng mô hình tổ chức lễ cưới trên những đoàn tàu Bắc – Nam, và cũng thiết kế phòng tân hôn ngay tại toa riêng biệt, khi du khách có nhu cầu.