Hiện, trên các diễn đàn của dân buôn hàng online, nhiều người đang tìm mách nhau đủ chiêu trò để tránh phải nộp thuế. Bởi từ ngày 5/12, Nghị định 126/2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
Các thông tin này bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế, người mở tài khoản và ngày đóng tài khoản. Theo đó, người kinh doanh online là một trong những đối tượng được cơ quan thuế tiếp cận và rà soát trong các cá nhân có nguồn thu từ môi trường trực tuyến.
Chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản
Trước thông tin siết chặt quy định về quản lý hàng xách tay, giới bán hàng khuyên nhau nên chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng. Thậm chí nhiều người còn kín đáo về giá bán và thông tin tài khoản nhận tiền hơn thay vì công khai như trước.
Theo khảo sát của Zing, tài khoản của một số dân buôn online trước đây thường xuyên khoe các đơn hàng, doanh thu mỗi ngày, mỗi tháng thì đến nay, các bài đăng đã được xóa sạch. Các thông tin có phần kín đáo hơn trước, không chia sẻ công khai.
Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, nhiều dân buôn đã tìm cách lách luật, đối phó cơ quan chức năng. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ vậy, sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, nhiều tài khoản bán hàng online đồng loạt đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng. Cụ thể, người bán yêu cầu người mua khi chuyển khoản tiền hàng không cần ghi thanh toán tiền hàng gì, không nhắc đến từ hàng hóa gì, chỉ cần ghi nội dung “tên” và chụp màn hình chuyển khoản là được.
Bên cạnh đó, nhiều chủ shop online cũng chuyển sang ưu tiên thu tiền mặt hoặc chia tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau tránh trường hợp dồn cả vào một tài khoản để đỡ bị cơ quan thuế để ý. Nhiều dân buôn còn mách nhau “lách” luật bằng cách vẫn đăng ký thuế nhưng kê khai doanh thu thấp dưới 100 triệu đồng/năm.
"Trước mắt, mình tạm thời ưu tiên việc giao dịch trực tiếp. Thuê nhân viên giao hàng rồi thu hộ tiền để tránh tầm ngắm của cơ quan thuế", chị N.L, chuyên bán quần áo online ở Hà Nội, cho biết.
Khác với nhiều người, chị Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại tỏ ra không mấy lo lắng trước quy định này. "Nhiều người doanh thu trăm triệu, vài tỷ một tháng mới lo chứ tôi buôn bán nhỏ kiếm thêm thu nhập, doanh thu chẳng đáng là bao nên không sợ", chị nói.
"Mọi trường hợp trốn thuế sẽ bị cơ quan thuế tìm ra"
Thực tế, hiện nay bán hàng online đang trở thành cơn sốt đem lại thu nhập cao cho không ít người, nhưng phần lớn chưa chủ động kê khai với cơ quan thuế. Trước đó, vào tháng 7/2020, trường hợp một tổng kho bán hàng lậu qua livestream mạng xã hội bị cơ quan chức năng phát hiện, có doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/tháng, với hơn 30.000 đơn hàng bán ra mỗi tháng nhưng chưa hề đóng một đồng thuế nào.
Hay như trường hợp một cá nhân ở Hà Nội thu hơn 40 tỷ đồng từ Google mới đây chỉ đến khi bị Tổng cục Thuế mời lên làm việc, người này mới đóng tiền truy thu và phạt tổng cộng hơn 4 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật, công dân Việt Nam (cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế và nếu doanh thu bán hàng hoá trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Bán hàng online đang trở thành cơn sốt đem lại thu nhập cao cho không ít người, nhưng phần lớn chưa chủ động kê khai với cơ quan thuế. Ảnh: D.L |
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý thuế, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mai điện tử gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Nghị định 126 được xem là chế tài giúp cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng, thông qua đó có cách quản lý thuế hiệu quả, ngăn chặn các hành vi trốn thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Theo đó, mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.
"Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được. Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12 được Chính phủ ban hành mới đây quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Thời hạn cung cấp lần đầu tiên là 90 ngày kể từ khi nghị định có hiệu lực và thời gian cung cấp các kỳ tiếp theo là 10 ngày đầu mỗi tháng.
Việc cung cấp các thông tin kể trên nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.
(Theo Zing)
Một người thu 13 tỷ nhờ bán hàng online trong ngày 12/12
Một nhà bán bán lẻ cá nhân chuyên về hàng phụ kiện điện thoại tại Việt Nam đã thu về 13 tỷ đồng chỉ trong ngày bán hàng 12/12.