Buổi sáng trước giờ đi làm, chị Phan Thị Thuận ở Nguyễn Cảnh Dị (Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được 3 hộp dâu tây mà mình săn mua được đêm qua, khoe: “Dâu bi to 130.000 đồng 3 hộp. Tính ra chỉ gần 90.000 đồng/kg. Đây là những hộp dâu rẻ nhất tôi mua dịp này”.
Thế nhưng, để săn được những hộp dâu này, nửa đêm chị vẫn phải canh giờ đặt mua. Bởi, sáng qua chị đã đặt mua hụt loại dâu bi giá rẻ này.
“Dâu này trái nhỏ nhưng chín đỏ mọng, ăn ngọt lịm và thơm. Quan trọng hơn là giá dâu phù hợp với túi tiền của mình”, chị nhận xét. Cả nhà chị ai cũng thích ăn dâu tây, song trước đó giá dâu đắt đỏ cũng không dám mua nhiều. Dịp này nhiều nơi bán giá rẻ, chị tranh thủ săn mua.
Tại Hà Nội, dâu tây Sơn La đang “nhuộm đỏ” siêu thị, cửa hàng trái cây, chợ truyền thống và “chợ mạng”. So với thời điểm đầu mùa (trước Tết Nguyên đán), loại quả đặc sản Sơn La này giá đã hạ nhiệt.
Hiện, dâu tây loại Vip giá dao động từ 400.000-550.000 đồng/kg, loại dâu lớn giá 270.000-350.000 đồng/kg, loại nhỡ giá 180.000-220.000 đồng/kg, dâu bi giá 90.000-150.000 đồng/kg.
Giá giảm về mức bình dân hơn, dâu tây cũng trở thành mặt hàng “đắt như tôm tươi”, chị em ồ ạt chốt đơn.
Trên facebook của một chuỗi cửa hàng trái cây ở Hà Nội đăng bán dâu bi lớn giá gần 90.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn hộp. Đáng chú ý, dù hệ thống cửa hàng này đăng bán lúc 10h đêm nhưng chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau, toàn bộ số dâu tây được khách đặt mua hết sạch. Khách “chậm chân” đều nhận được câu trả lời “đã hết dâu tây”.
Sáng cùng ngày, hệ thống này chỉ mất khoảng nửa giờ đồng hồ để bán hết sạch 200 hộp dâu bi Sơn La (tương đương 1 tạ dâu tây).
Anh Đinh Văn Đạt - chủ cửa hàng trái cây ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết, dâu tây Sơn La đang vào chính vụ thu hoạch, hàng đổ bộ thị trường với số lượng lớn. Đây là loại quả mà nhiều người ở Hà Nội ưa thích nên dâu về đến đâu bán hết đến đó. Riêng loại dâu bi to (loại có giá rẻ nhất) lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng”.
Tại cửa hàng của anh Đạt, ngày nào dâu tây cũng về một chuyến. Theo đó, dâu Vip và dâu lớn chỉ về trên dưới 200 hộp. Anh không nhập dâu nhỡ. Còn dâu bi to anh nhập về từ 1.000-1.500 hộp mỗi ngày, tuỳ dâu ở vườn chín ít hay nhiều.
Loại dâu bi này lần nào đăng bán khách cũng ồ ạt đặt mua, nhân viên chốt đơn không kịp. Bất kể đăng vào thời điểm nào trong ngày thì sau vài giờ bán cũng nhanh chóng “cháy hàng”. Có hôm, sau 6h sáng dâu về, anh nhận dâu rồi chụp ảnh đăng bài rao bán, chưa đầy 2 giờ đồng hồ, gần 500 hộp dâu bi được khách đặt mua hết.
“Những ngày này, bài mà nhân viên thường xuyên phải đăng trên facebook của cửa hàng chính là thông báo hết dâu bi và hẹn khách chuyến sau”, anh chia sẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý ở Mai Sơn (Sơn La), cho biết, dâu tây đang vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng cho thu mỗi ngày tại hợp tác xã lên tới 5-8 tấn. Riêng diện tích dâu tây của gia đình ông đang cho thu 1-2 tấn/ngày.
Lượng dâu thu hái đến đâu được bán sỉ hết cho các hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây. Bởi, HTX dâu tây Xuân Quý trồng theo hình thức liên kết, sản phẩm thu hoạch được bao tiêu. Cũng vì thế, dịp này ông từ chối khá nhiều khách hỏi mua sỉ bên ngoài do cung không đủ cầu.
Thời điểm này, để kịp thu hoạch dâu tây chín trên đồng, ông phải thuê hàng trăm lao động chuyên đi hái trái. Giá thuê nhân công tuỳ vào kỹ thuật hái của mỗi người. Trong đó, người có kỹ thuật hái chuẩn không để quả dâu bị dập hỏng, dâu hái đúng theo tỷ lệ 7 phần chín 3 phần xanh hoặc 8 phần chín 2 phần xanh thì tiền công mỗi ngày họ nhận được là 400.000 đồng/người; với những người chỉ gọi là “biết hái”, tiền công nhân được thường là 150.000 đồng/ngày.
Theo ông Nam, tổng sản lượng dâu vụ này của HTX ước khoảng 600 tấn, tầm tháng 4 sẽ kết thúc vụ.
1ha dâu tây cho doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Năm ngoái, lợi nhuận thù về khoảng 350 triệu đồng/ha.