Cuối năm, các buổi liên hoan, gặp mặt diễn ra liên tục
Cuối năm luôn là một khoảng thời gian tất bật của hầu hết mọi người bởi không chỉ công việc bận rộn mà còn rất nhiều những buổi tụ tập của đồng nghiệp và bạn bè.
Mang trong mình tâm lý "ai cũng đi chẳng lẽ mình không đi", nhiều nhân sự trẻ rất khó để từ chối các buổi tiệc tùng cuối năm ở công ty.
Mặc dù liên hoan không bắt buộc nhưng từ sếp đến các nhân viên của phòng, ban đều muốn mọi người có mặt đầy đủ. Tuy nhiên, quá nhiều buổi ăn nhậu khiến dân văn phòng phải đau đầu suy nghĩ.
Vũ Lê Khánh Ly (24 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Tùy theo kinh tế của các thành viên trong phòng, có dịp tụ hội anh chị em đồng nghiệp sẽ đặt đồ ăn về phòng, dịp khác lại ra ngoài liên hoan cùng cả công ty.
Mọi người đều tham gia, mình cũng không ngoại lệ. Gần đây có nhiều dịp để tụ tập, mình đều có mặt đầy đủ, đi với mọi người vui, nhưng số buổi liên hoan nhiều quá làm mình thấy hơi ngợp".
Ngô Cẩm Tú (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng chia sẻ: "Mình thường là người đặt tiệc liên hoan hoặc lên kế hoạch cho những buổi gặp mặt cuối năm ở công ty. Công ty mình quy mô nhỏ nên dễ tổ chức họp mặt hơn so với các công ty lớn.
Từ đầu tháng 12, các buổi gặp mặt ở công ty diễn ra khá nhiều, mọi người hay nói đùa với nhau "tháng cuối của năm rồi phải đi ăn thôi".
2 năm làm việc tại một công ty truyền thông, Đỗ Bích Thủy (22 tuổi, nhân viên) chỉ tham gia một, hai lần tiệc cuối năm của công ty: "Công ty mình cũng giống như những chỗ khác, cứ đến gần Tết âm lịch là mọi người rủ nhau ra ngoài ăn uống khá nhiều. Mình chỉ tham gia những buổi cần thiết ví dụ như tất niên, tổng kết năm vì mình có một số lý do cá nhân nên không tham gia hết được.
Ngoài công ty, các phòng, ban cũng tự tổ chức liên hoan riêng. Mình nghĩ tham gia cũng tốt nhưng nếu tần suất các buổi gặp nhiều sẽ không phù hợp với mình vì mình là một người khá khép kín".
Không phải ai cũng hào hứng với tiệc tùng cuối năm
"Công ty có nhiều phòng ban, mình chỉ làm trong một phòng nhỏ nên gặp mọi người không nhiều, vì vậy việc tham gia hết tất cả những lần tiệc tùng là điều khó khăn với một người hướng nội như mình.
Tuy nhiên một số dịp mình khó từ chối nhưng nếu tham gia mình lại không thấy thoải mái. Vì vậy đôi khi mình bị rơi vào tình thế khó xử, từ chối không được mà đi thì lại không muốn.
Mình thân thiết với một số người cùng phòng, những người còn lại mình chỉ xã giao. Nói là đồng nghiệp nhưng có người mình chưa gặp mặt hay nói chuyện lần nào. Vì vậy mình ngại tham gia tiệc tùng vì có nhiều người lạ và bản thân không thích những chỗ đông người.
Sau giờ làm mình muốn về nghỉ ngơi hoặc đi gặp những người thân thiết hơn là đi ăn uống cùng đồng nghiệp xã giao", Bích Thủy tâm sự.
Khánh Ly cho biết đây không phải năm đầu tiên cô trải qua những buổi tiệc tùng liên miên thế này, năm nào cũng vậy, mỗi khi đến gần Tết là những buổi gặp mặt đến tới tấp:
"Có thời điểm suốt cả tuần, mình ăn cơm ở nhà 4 bữa, còn lại là ra ngoài cùng với đồng nghiệp hoặc bạn bè. Sang năm nay, mình không thấy hào hứng như mấy năm trước mỗi khi được rủ đi ăn tất niên, do mình đang có kế hoạch giảm cân và tiết kiệm để đón Tết nhưng có một số buổi gặp mặt mình rất khó để từ chối nên vẫn đi".
Trái lại với Khánh Ly và Bích Thủy, Cẩm Tú lại hào hứng với những buổi tiệc dịp cuối năm, cô cho rằng đây giống như dịp để mọi người trong công ty có cơ hội gắn kết:
"Phòng mình làm vừa có dịp đi ăn giáng sinh cùng nhau, sau buổi gặp mặt mọi người thân thiết và hiểu nhau hơn. Đây cũng là cách mình giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc.
Sắp tới công ty mình cũng sẽ tổ chức tất niên, lên dây cót tinh thần làm việc cho nhân viên vào năm mới vì vậy mình chắc chắn sẽ tham gia.
Mình sẽ để một khoản riêng để đi ăn dịp cuối năm vì vậy nó không ảnh hưởng quá nhiều đến tài chính của mình. Mình cần phải cân đo đong đếm để chi tiêu cuối năm hợp lý và sẽ không lạm chi vào khoản để riêng. Đó là cách mình cân bằng tài chính vào các dịp lễ, Tết khi các buổi gặp mặt diễn ra liên tục".
Lợi và hại khi tham gia tiệc tùng cuối năm cùng đồng nghiệp
"Công ty mình từ nhiên viên đến các sếp đều không có thói quen "ép" người khác phải đi, nếu ai bận hoặc có gì đó khó khăn đều có thể khéo léo từ chối, mọi người rất thoải mái, như vậy sẽ không khiến ai phải khó xử", Cẩm Tú cho hay, cô cũng chia sẻ rằng trong công ty có nhiều bạn hướng nội, ngại khi phải tham dự nhiều buổi gặp mặt đông người:
"Không phải ai cũng hào hứng khi đi tiệc tùng cuối năm, có một số bạn khá hướng nội, các bạn ấy tham gia những dịp đặc biệt và cần thiết còn những lần mọi người tan làm vui vui rủ nhau đi ăn thì các bạn không tham gia.
Mình nghĩ đi cùng công ty hay không là lựa chọn của mỗi người vì ai cũng có kế hoạch, lịch trình riêng của bản thân. Đối với mình, những buổi liên hoan mình bận hoặc không muốn đi, mình sẽ khéo léo từ chối chứ không bắt buộc bản thân phải đi".
Cùng quan điểm với Cẩm Tú, Khánh Ly chia sẻ: "Mình nghĩ liên hoan cuối năm cũng là lúc mình và mọi người ngồi lại, chia sẻ với nhau về những câu chuyện trong cuộc sống chứ không chỉ là chuyện công việc. Nếu buổi liên hoan có cả sếp, nhân viên và sếp có thể chia sẻ với nhau thì hiệu quả công việc và sự đoàn kết sẽ được nâng cao.
Mình xác định làm ở công ty lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai nên việc tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên đồ ăn bên ngoài hầu như rất nhiều dầu mỡ, một số nơi đồ ăn có thể không rõ nguồn gốc nên khi đi liên hoan, ngoài ảnh hưởng đến tài chính còn ảnh hưởng đến sức khỏe nên mình chỉ tham dự liên hoan ở mức vừa đủ, không phải lần nào cũng đi".
Còn Bích Thủy tâm sự sẽ tham gia những dịp thực sự cần thiết: "Mình nghĩ nên tham gia vì đây là hoạt động tập thể, mình không thể phát triển nếu như lúc nào cũng một mình, vì vậy mình chọn có mặt vào những dịp cần thiết như tổng kết công ty, bữa tất niên ở phòng...
Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng cho câu hỏi "có nên đi tiệc tùng cuối năm cùng công ty hay không". Lý do để mình không thường xuyên đi liên hoan với mọi người nhiều đơn giản là mình thích những hoạt động một mình, thích dành thời gian cho bản thân và những người thân thiết hơn".
Dù mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, song hầu hết mọi người đều tham gia vào những dịp cần thiết. Những buổi liên hoan thường hướng đến niềm vui, sự thư giãn do vậy không nên bắt buộc hay ép ai đó nhất định phải có mặt.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu chi tiêu của từng người nhưng vẫn nên để ra một khoản để gắn kết hội nhóm. Có thể tham gia 1 - 2 lần trong tháng chứ không nên từ chối toàn bộ, như vậy sẽ thiếu tính tập thể và khó giữ được mối quan hệ trong công việc.
Theo Dân trí