Lời toà soạn

Tuyến bài “Phía sau cửa phòng cấp cứu” là chia sẻ của các bác sĩ trong quá trình điều trị, nỗ lực cứu chữa người bệnh gặp phải những tai nạn hi hữu trong cuộc sống thường ngày. Thông qua những ca bệnh thực tế, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và trang bị kỹ năng sơ cứu đúng cách để giúp mình và người thân đảm bảo an toàn tính mạng.

Mới đây, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã tiếp nhận bệnh nhân nam 21 tuổi bị bỏng do điện cao thế phóng qua cần câu. 

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bỏng vùng bụng và tay phải với những nốt bỏng nước trên nền da đỏ, có vị trí xâm lấn đến lớp trung bì, tổn thương tổ chức hạt.

Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng điện độ II và độ III, diện tích 8%. Sau khi giảm đau, bù dịch và băng bỏng, bệnh nhân dùng thuốc chống uốn ván, kháng sinh chống nhiễm trùng, theo dõi sát hội chứng tiêu cơ vân.

Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định nhưng rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích và suy thận. Đây là diễn biến thường gặp đối với người bị điện giật và nằm trong tầm kiểm soát.

bong dien cao the.png
Bệnh nhân bị bỏng điện đang được bác sĩ theo dõi sức khỏe. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hồng Nhung - Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê - cho biết tiêu cơ vân là hội chứng lâm sàng hủy hoại các tế bào cơ vân, giải phóng myoglobin, kali, phốt pho... vào máu, khiến người bệnh rối loạn điện giải, toan chuyển hóa sốc giảm thể tích và suy thận cấp. Tiêu cơ vân là hậu quả của chấn thương do tai nạn giao thông, sập hầm, đổ nhà, động đất,... 

Ngoài ra, người bị bỏng rộng, đặc biệt bỏng do điện giật hoặc sét đánh cũng mắc hội chứng này. Khi đi câu cá, người dân cần quan sát khu vực hồ câu có lưới điện cao thế đi qua hay không, tránh những vùng có đường điện. 

Theo thông tin từ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, (Hà Nội), tỷ lệ bệnh nhân bỏng điện cao thế khi đi câu cá ngày càng tăng để lại hậu quả thương tâm, có bệnh nhân phải cắt cụt chi thể, thậm chí tử vong.

Trong nhiều trường hợp điện thế cao, bỏng thường kèm theo cháy đen các mô chỉ trong vài giây. Dòng điện ảnh hưởng đến kiểm soát thần kinh, nhất là trên tim và phổi có thể gây ngất ngay hoặc mất trí nhớ tạm thời. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bị nạn có thể rối loạn nhịp tim gây tử vong nhanh.

Các bước sơ cứu cần thực hiện khi có tai nạn điện giật như sau:

- Ngắt cầu dao điện càng nhanh càng tốt.

- Gọi cấp cứu và báo cho điện lực gần nhất.

- Tự cách điện cho mình bằng cách đứng lên vật cách điện, dùng các vật dụng như thanh tre, cây khô, cây nhựa…. để gạt dây điện hoặc tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

- Kiểm tra chấn thương cho nạn nhân, ưu tiên những vị trí trọng yếu như đầu, cổ. Nếu nạn nhân bất tỉnh, không thở hoặc thở yếu nên tiến hành hô hấp nhân tạo, nhấn tim cho đến khi nạn nhân thở lại.

- Chỉ vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi đã cấp cứu ổn định.

- Cố gắng không để nạn nhân bị lạnh run. Tiến hành băng, che phủ vùng bỏng với băng vô trùng hoặc quần áo sạch. Không dùng chăn mền hay khăn lau vì các chất liệu sợi thưa có thể dính vào vết bỏng.

Tất cả trường hợp điện giật sau khi sơ cứu đều phải vận chuyển đến cơ sở y tế để kiểm tra mức độ ảnh hưởng.