Theo Báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), tổng doanh thu là hơn 615,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 46 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của VEPIC trong năm 2022 ghi nhận chủ yếu đến từ hoạt động bán sách, chiếm gần 98% trên tổng doanh thu của công ty.
Nhìn lại lịch sử làm ăn của công ty, kết quả kinh doanh năm 2022 mà VEPIC đạt được tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này đạt 317 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng vọt, (lên 188 tỷ đồng). Còn lợi nhuận trong năm này là trên 22 tỷ đồng.
Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lớn trong kết quả kinh doanh của VEPIC, chỉ sau một thời gian rất ngắn doanh nghiệp tham gia làm sách giáo khoa.
Cụ thể, vào cuối năm 2019, bộ sách giáo khoa Cánh Diều chính thức ra mắt. Cánh Diều là sản phẩm hợp tác xuất bản của VEPIC với 2 đơn vị khác, gồm Nhà xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh).
Trước khi làm sách giáo khoa Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan, nếu không muốn nói là bết bát.
Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 10,3 tỷ đồng. Và một năm sau, con số tiếp tục gia tăng khi mức lỗ là 14,4 tỷ đồng.
Doanh thu của các năm này cũng rất thấp. Năm 2017-2019 doanh thu chỉ vỏn vẹn 4-6 tỷ đồng mỗi năm.
Như vậy, so với giai đoạn 2017-2019, thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần.
VEPIC được thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 34,56 tỷ đồng.
Đầu năm 2022, dư luận sục sôi khi giá các bộ sách giáo khoa tăng tới 2-3 lần. Các Đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng trước tình trạng này và "truy" trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa.
Đây cũng là thời điểm dư luận sục sôi khi giá các bộ sách giáo khoa tăng chóng mặt, gây bức xúc trong nhân dân.
Khi xây dựng dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Ngày 19/6/2023, Luật Giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, quy định áp giá trần và không có giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa. Bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá SGK mới của lớp 4, lớp 8 và lớp 11 ở hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. CTCP đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đã thông báo giá của bộ Cánh diều. Đây là 3 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024. Các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đang có mức giá thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt. Ví dụ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có mức giá thấp hơn từ 22-26% so với giá các bộ sách của các NXB khác (chưa gồm sách tiếng Anh; các môn học và chuyên đề lựa chọn đối với lớp 11). |