Hai bệnh nhân là anh P., 23 tuổi và G.T.M, 15 tuổi, cùng quê ở Lào Cai, đi làm thuê ở Bắc Giang. Tai nạn xảy ra với hai bệnh nhân vào đêm 20/5 khi họ đang ngủ. Thấy dấu hiệu lạ, anh P. nghi ngờ bị rắn cắn nên nhờ người quen đưa vào bệnh viện.
Hai bệnh nhân lần lượt được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, trong tình trạng khó thở, sụp mi mắt, chân tay yếu. Loại rắn độc cắn hai người được xác định là cạp nia, khiến bệnh nhân mất phản xạ.
Do tình trạng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, bác sĩ cấp cứu chuyển ngay đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết trường hợp nữ bệnh nhân rất đặc biệt. Khi vào viện, người bệnh được đánh giá liệt cơ hoàn toàn, suy hô hấp, liệt tứ chi, cơ lực 0/5, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn.
Các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nên được đặt ống nội khí quản; thở máy, lọc máu hấp phụ bằng quả lọc MG350 để loại trừ độc chất. Sau 3 quả lọc, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện.
Sau 1 tháng điều trị bằng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, 2 bệnh nhân cải thiện dần, tập cai máy thở rồi bỏ được máy thở, rút ống nội khí quản, cơ lực tứ chi từ 0/5 đến 5/5. Tới ngày 20/6, 2 bệnh nhân ổn định, được ra viện.
Bác sĩ Hiếu cho biết những trường hợp bị rắn cạp nia cắn nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài.
Sáu tháng đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận và điều trị khoảng 30 ca bệnh do rắn cắn, chủ yếu là rắn hổ mang. Các loại rắn này cắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.