Lang Lang (1982) là một nghệ sĩ piano nổi tiếng sinh ra ở Liêu Ninh (Trung Quốc). Năm lên 2 tuổi, Lang Lang bắt đầu yêu thích cây đàn piano sau khi xem chú mèo Tom chơi đàn trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Tom và Jerry.
Từ đó trở đi, cha của Lang Lang bắt đầu cho con trai thử sức với bộ môn này. Mỗi ngày, Lang Lang thường học từ 1 – 2 tiếng, nhưng cậu không cảm thấy mệt mỏi. Cha Lang Lang nhận ra, con trai mình không chỉ có tài năng về âm nhạc mà con rất chịu khó.
Năm 3 tuổi, Lang Lang được cha cho học piano nghiêm túc dưới sự dạy dỗ của GS Zhu Yafen tại Nhạc viện Thẩm Dương.
Thấy con có khả năng, cha của Lang Lang quyết định cho con thử sức tham gia vào một cuộc thi piano tại quê nhà dù lúc đó mới chỉ 5 tuổi. Mặc dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong khoảng 1.000 ứng viên tham dự, nhưng Lang Lang xuất sắc vươn lên giành ngôi vị quán quân của cuộc thi.
Vì muốn con có một môi trường tốt hơn nữa để phát huy khả năng của bản thân, cha của Lang Lang quyết định từ bỏ công việc cảnh sát để đưa con tới Bắc Kinh, thi vào Nhạc viện Trung ương. Trong lá đơn từ chức gửi lãnh đạo đơn vị, ông viết: “Tôi phải đến Bắc Kinh để nuôi dưỡng con trai”.
Còn mẹ của Lang Lang ở tại quê nhà, mỗi tháng chỉ dám tiêu 100 tệ cho sinh hoạt phí. Số tiền còn lại, bà cũng gửi hết tới Bắc Kinh.
Lang Lang - nghệ sĩ piano nằm trong top 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Ở Bắc Kinh, hai cha con sống trong khu ổ chuột tồi tàn. Mỗi sáng, Lang Lang phải tập luyện từ 5h30 và luôn cố gắng hoàn thành 8 tiếng tập luyện.
Tuy nhiên, khi chỉ còn vài tháng là tới kỳ thi, giáo viên dạy Lang Lang ở Bắc Kinh cho rằng, cậu không có tài năng gì, tốt nhất là nên trở về quê.
Lang Lang khóc nức nở sau lời cô giáo nói, còn người cha cảm thấy vô cùng bế tắc. Ông chấp nhận từ bỏ tất cả để tới Bắc Kinh, giờ đây đã không còn đường lui. Bất lực, ông đi mua 2 lọ thuốc ngủ để cha con cùng uống.
“Đó là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp. Cha tôi như hoàn toàn phát điên. Tôi đẩy ông và chạy ra ngoài, nhưng ông đã hét lên: “Vậy thì hãy nhảy xuống và chết đi””, Lang Lang nhớ lại.
Bản thân cậu cũng vô cùng dằn vặt và tự trách mình. Hai cha con đã chiến tranh lạnh với nhau suốt một thời gian. Thời điểm này, Lang Lang vô tình kết bạn với một người bán rau ở khu chợ gần nhà. Đây cũng chính là người đã khuyên nhủ, giúp hai cha con hàn gắn tình cảm và cũng là người đã động viên Lang Lang chơi đàn trở lại.
Cũng nhờ vậy, sau đó, cậu đã dồn hết tâm sức, nỗ lực gấp đôi để thi đỗ vào nhạc viện, nhưng lần này không còn nhiều áp lực như trước. Năm ấy, Lang Lang đã đỗ thủ khoa vào học viện âm nhạc uy tín nhất Trung Quốc.
Cha của Lang Lang luôn đồng hành cùng con trên mọi chặng đường.
Năm Lang Lang 12 tuổi, nhạc viện cho biết sẽ chọn ra 5 học sinh tham gia vào một cuộc thi có quy mô quốc tế ở Đức. Nhưng Lang Lang không phải là cái tên được lựa chọn năm ấy.
Biết tin, cha của Lang Lang đã quyết định tự đăng ký cho con tham gia với tư cách cá nhân. Số tiền phải bỏ ra nếu tham gia kỳ thi này tương đối lớn, vì thế ông đã âm thầm vay người thân, bạn bè để có tiền cho Lang Lang sang Đức dự thi.
Khi được xướng tên ở ngôi vị cao nhất, Lang Lang hò reo, ôm lấy người thầy đứng ngay trên sân khấu. Còn cha cậu khi ấy cũng đứng từ một góc của khán phòng, vỡ oà trong nước mắt. Trở về Trung Quốc, cô giáo đã nói với Lang Lang rằng: “Khi con nhận giải, cha con đã khóc rất nhiều”, nhưng Lang Lang hoàn toàn không tin. Cậu nói: “Không, cha con không biết khóc”.
Lang Lang và cha song tấu đàn nhị - dương cầm
Sau cuộc thi tại Đức, 13 tuổi, Lang Lang tiếp tục cùng bố tới Nhật để tham gia Cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky và giành được Huy chương Vàng.
Tới năm 15 tuổi, hai cha con lại lên đường sang Mỹ do Lang Lang được nhận vào Học viện Âm nhạc Curtis ở Philadelphia. Tại đây, ngoài sự trưởng thành về kỹ năng chơi piano, Lang Lang còn bước đầu chạm tay đến con đường của một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Cậu liên tiếp giành được các cơ hội hợp tác với các dàn nhạc quy mô lớn.
Dù vậy, người cha vẫn đồng hành cùng con bằng cách luôn mang theo cuốn sổ và cây bút để ghi lại từng lời dạy từ thầy giáo của con.
Năm Lang Lang vừa tròn 17 tuổi, cậu đã trở nên nổi tiếng trong một buổi biểu diễn tại Liên hoan âm nhạc Chicago Lavinia (Mỹ). Tờ Chicago Tribune khi ấy viết: “Lang Lang là một thiên tài piano”. Kể từ đó, cậu liên tiếp giành được nhiều giải thưởng danh giá.
Lang Lang đến biểu diễn tại Nhà Trắng.
Năm 23 tuổi, theo lời mời của Tổng thống Mỹ, Lang Lang đã đến Nhà Trắng biểu diễn và cũng trở thành nghệ sĩ dương cầm Trung Quốc đầu tiên biểu diễn tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ George W. Bush khi ấy đã trao tặng cho Lang Lang danh hiệu “Đặc phái viên của hòa bình thế giới”.
Sau đó, Lang Lang đã được tạp chí Times bình chọn trong top 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Dù vậy, khi nhìn lại, Lang Lang cho biết anh luôn cảm thấy biết ơn cha mình: “Cha tôi dù có khắt khe, nhưng ông thực sự đã chia sẻ với tôi cả cuộc sống. Ông học và đồng hành cùng tôi từng bước. Khi tôi đạt được thành công cũng là lúc ông thực hiện được giấc mơ của mình”, Lang Lang xúc động chia sẻ.
Thời Vũ (Theo SCMP, The Guardian)
Thiên tài toán học bị gọi là “đồ ngốc”, trở thành giảng viên ĐH danh tiếng
Với tác phong lập dị, thoạt nhìn, không ai nghĩ Wei Dongyi lại là thiên tài toán học một thời của Trung Quốc và là giảng viên của Trường ĐH Bắc Kinh.