Đằng sau con đường dẫn lối lên Lùng Thẩn

Những con đường lên Lùng Thẩn hôm nay được hình thành từ sự chung sức của người dân. Người hiến đất, người góp công, mở lối cho phát triển kinh tế, xã hội ở xã nghèo Lào Cai. 

Nhiều năm trước, khi chưa có đường bê tông, chị Sáng Thị Cúc cùng bà con ở thôn Lùng Sán, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt hàng ngày.

“Mình đi bộ lên rẫy, nhiều đoạn quanh co phải leo cây, vượt núi. Buổi sáng thì từ 3-4h đã phải dậy đi làm, mất 2-3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chiều thì 4-5h phải về rồi vì đường xa quá. Ngô, thóc hay các loại hàng hóa, đồ dùng khác chỉ có mỗi cách địu trên lưng”, chị Cúc nhớ như in những vất vả ngày nào.

Khi cán bộ xã, thôn vận động hiến đất làm đường, gia đình chị Cúc tích cực hưởng ứng. Hơn 100m2 đất trồng ngô, lúa của gia đình chị nhanh chóng chuyển đổi công năng.

“Không chỉ riêng nhà mình đâu mà rất nhiều nhà khác cũng tự nguyện hiến đất. Giờ có đường rồi, đi lại dễ hơn”, chị Cúc vui vẻ chia sẻ.

W-dan toc thieu so   lao cai 10.jpg

Anh Nguyễn Mạnh Dương, sống tại thôn Nàng Cảng 2, cũng chưa quên cảnh mỗi mùa thu hoạch, bà con trong thôn mất rất nhiều thời gian, công sức vận chuyển thóc lúa, ngô bằng cách thức thô sơ: thồ bằng ngựa hoặc địu trên vai.

Giờ có đường giao thông nông thôn, ô tô đến tận nương rẫy để chở ngô, lúa, bà con đi lại thuận tiện hơn nhiều.

Anh Dương cảm thấy rất tự hào khi mình góp một phần công sức để xây dựng nên những con đường đó. Anh là một trong những đại diện tổ đội cộng đồng tham gia mô hình phát triển giao thông nông thôn từ năm 2021.

“Làm đường ở Lùng Thẩn gặp rất nhiều khó khăn khi địa chất vùng cao rất nhiều đá, lại khan hiếm nguồn nước. Có lúc cần khoảng 40-50 khối nước/ngày để làm đường, chúng tôi phải cắt cử anh em lái máy tranh thủ buổi đêm đi lấy nước từ trường cấp 2 về, cách trạm trộn 2km”, anh Dương kể.

Cả chị Cúc và anh Dương đều mong muốn thời gian tới xã sẽ được nhận thêm kinh phí hỗ trợ để mở thêm nhiều con đường mới cho bà con lên nương rẫy, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo nhất cả nước.

W-dan toc thieu so   lao cai 19.jpg
W-dan toc thieu so   lao cai 12.jpg

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Trao đổi với báo VietNamNet, ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lùng Thẩn cho hay, mô hình phát triển giao thông nông thôn với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), được triển khai tại địa phương từ năm 2021.

“Lúc đầu, chúng tôi hết sức lo lắng, bởi đây là chương trình đòi hỏi sự đóng góp lớn của người dân như hiến đất, góp công lao động… Với tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng như của tỉnh, huyện, chúng tôi đã tổ chức họp thôn, lấy ý kiến nguyện vọng của người dân. Khi thống nhất nguyện vọng của các thôn, chúng tôi mới đăng ký dự án với cấp trên. Có sự đóng góp, ủng hộ của người dân thì việc triển khai hết sức dễ dàng và hiệu quả rất cao”, Chủ tịch xã Lùng Thẩn chia sẻ kinh nghiệm.

W-dan toc thieu so   lao cai 22.jpg
W-dan toc thieu so   lao cai 25.jpg

Tới nay, tất cả 17 dự án đường giao thông nông thôn đăng ký kế hoạch 2021-2025 của xã Lùng Thẩn đã cơ bản hoàn thiện, đưa vào sử dụng. 

Theo vị Chủ tịch xã, bí quyết quan trọng đem lại thành công này chính là sự tiên phong của các Đảng viên.

“Các hộ gia đình đảng viên ở xã đã tiên phong hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, chúng tôi huy động được nhiều người già, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và các dòng họ cùng tuyên truyền vận động. Nhờ vậy, mô hình phát triển giao thông nông thôn nhận được sự ủng hộ rất cao từ phía người dân”, ông Toán nhấn mạnh.

Theo thống kê, khoảng 30 hộ là cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín và trưởng dòng họ ở Lùng Thẩn đã tiên phong hiến đất làm đường. Tới nay, toàn xã đã có 288 hộ hiến khoảng 155.000m2 đất và nhiều diện tích hoa màu, ước tính giá trị trên 30 tỷ đồng. 

W-dan toc thieu so   lao cai 14.jpg

Tại các thôn Nàng Cảng, Seng Sui, nhiều hộ gia đình tiêu biểu như Vàng Seo Chủ, Giàng Seo Nếnh, Hảng Seo Dìn, Thào Seo Chùa... đã tự nguyện hiến từ 5.000 - 9.000m2 đất. Chưa kể nhiều hộ tự tháo dỡ tài sản, tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Đường giao thông nông thôn đã tạo “lực đẩy” mạnh mẽ để người dân Lùng Thẩn từng bước thoát nghèo.

Lùng Thẩn là vùng đất có nhiều loại cây ăn quả ngon. Trước đây nông sản và trái cây, đặc biệt là mận, lê, sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ do đi lại khó khăn. Giờ đây, đường sá thuận tiện, nông sản cả xã dễ dàng tiêu thụ đã đem lại thu nhập trên 15 tỷ đồng/năm. 

Từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, gần đây, xã nghèo miền núi bắt đầu chuyển hướng phát triển thêm du lịch cộng đồng. Năm 2024, đã có hơn 5.000 lượt khách tới thăm quan, ngắm hoa mận, hoa lê… Dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều du khách đến Lùng Thẩn tham quan, trải nghiệm.

“Nhờ những hoạt động như thế, thu nhập của người dân thay đổi đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã là 27,5 triệu đồng, năm 2004 là 32,5 triệu đồng. Tin rằng thời gian tới, đời sống của người dân sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa”, ông Toán cung cấp số liệu đáng mừng.

W-dan toc thieu so   lao cai 16.jpg

Nguồn vốn 1719 góp phần xóa đói giảm nghèo

Những con đường mới mở tại xã đặc biệt khó khăn Lùng Thẩn nói riêng, huyện nghèo Si Ma Cai nói chung, đều tuân thủ quy định trong Nghị định số 27 của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

“Chính quyền họp bàn với các thôn và tổ đội cộng đồng từ rất sớm. Tuyến đường có sự đồng thuận cao của người dân thì mới thống nhất đưa vào danh mục đầu tư”, ông Nghiêm Văn Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Si Ma Cai dẫn chứng.

W-dan toc thieu so   lao cai 27.jpg
Ông Nghiêm Văn Cường - Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Si Ma Cai.

Ngay sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 22 quy định chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh, huyện Si Ma Cai đã ban hành kế hoạch 5 năm (2021-2025) rồi kế hoạch thực hiện trong từng năm nhằm triển khai phù hợp với kế hoạch chung của toàn tỉnh. 

Theo Nghị quyết số 22, những xã thuộc vùng I được hỗ trợ 50% kinh phí mua vật liệu cát, đá, và 100% kinh phí mua xi măng tới chân công trình; còn những xã vùng III được hỗ trợ toàn bộ 100% kinh phí xi măng, cát, đá.

Tuy nhiên, Si Ma Cai có địa hình chia cắt đồi núi cao, độ dốc tương đối lớn, khó vận chuyển vật liệu để tổ chức thi công đường giao thông. Đơn giá lại thường xuyên thay đổi. Chính quyền địa phương đã tập trung vào việc ngay khi kế hoạch được phê duyệt, đẩy tiến độ thi công xây dựng nhanh nhất có thể để giảm thiểu chi phí phát sinh.

W-dan toc thieu so   lao cai 5.jpg
W-dan toc thieu so   lao cai 15.jpg

Tới nay, nguồn vốn từ Chương trình 1719 giúp Si Ma Cai triển khai tới 80-90% khối lượng công việc theo kế hoạch đề ra, còn lại 10-20% là phần đóng góp của cộng đồng và nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

Hiện 100% đường giao thông nông thôn từ huyện xuống xã đã cơ bản được cứng hóa, đây là một trong những chỉ số quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Đến tháng 4, chúng tôi đã cơ bản hoàn thiện khối lượng công việc dự kiến làm tới hết năm 2025, chỉ còn một số hạng mục phụ trợ đang hoàn thiện. Theo tính toán của huyện, năng lực vận tải hàng hóa giai đoạn 2020-2025 tăng đến 40-50% so với giai đoạn 2015-2020, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo”, ông Cường thông tin.

Toàn huyện Si Ma Cai có hơn 20 tổ đội cộng đồng ký hợp đồng với ban quản lý xã để thực hiện hợp phần đường giao thông thôn. Đa phần thành viên là người dân tộc thiểu số, song mô hình hoạt động của các tổ đội khá chuyên nghiệp, hiệu quả.

“Các tổ đội cộng đồng thường là gia đình có tiềm lực về kinh tế, có máy móc, thiết bị để sản xuất, hoặc nhiều nhóm hộ thành lập một tổ đội để cùng làm. Thời gian qua, các tổ đội đều đã dần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đảm bảo năng lực và các yêu cầu trong thời đại mới. Tuy nhiên, còn một số tổ đội chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở pháp lý, quy trình nghiệm thu. Rất mong sẽ có cơ chế đặc thù, chính sách thông thoáng hơn cho các tổ đội trong quá trình triển khai dự án”, ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch xã Lùng Thẩn đề xuất.

 

“Mong muốn của huyện Si Ma Cai là sẽ tiếp tục được hỗ trợ xây dựng thêm nhiều tuyến đường mới với chiều rộng nền đường từ 6m trở lên. Dù Nghị quyết số 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung, mức chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Lào Cai đã tính bù đơn giá nhân công làm đường giao thông nông thôn, nhưng hiện vẫn thấp hơn giá nhân công thực tế. Chúng tôi đề xuất tăng đơn giá nhân công theo mức đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành”, ông Nghiêm Văn Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Si Ma Cai nói.