Những ngày gần đây, thông tin về show diễn của BlackPink tại Việt Nam liên tục là chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều người bất ngờ về sức ảnh hưởng của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đến khán giả trong nước. Tuy nhiên, không chỉ có người trẻ ở Việt Nam “cuồng” BlackPink.
Trong hơn 15 năm, K-pop phát triển từ một hiện tượng âm nhạc trong khu vực thành thế lực hùng mạnh của ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Giờ đây, K-pop có mặt ở khắp mọi nơi, từ các bản nhạc lan truyền trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 cho đến những màn hình quảng cáo khổng lồ ở trung tâm thương mại ở Mỹ.
Hiện tượng văn hóa - xã hội toàn cầu
Làn sóng K-pop với những cái tên tiêu biểu trong thời gian gần đây như BTS, BlackPink, Exo, Twice càn quét khắp thế giới, xô đổ hàng loạt kỷ lục, tạo nên những cơn sốt truyền thông, thời trang, văn hóa, ẩm thực… bên ngoài thể loại âm nhạc gây nghiện của họ.
Theo Korea Herald, vài năm trước việc lọt vào bảng xếp hạng Billboard là một cột mốc khó khăn, đặc biệt đối với các nghệ sĩ không nói tiếng Anh hoặc bên ngoài thị trường Mỹ. Nhưng các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc đã tạo được chỗ đứng trên các bảng xếp hạng và thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới.
Chuyến lưu diễn của Twice, BTS, BlackPink luôn cháy vé tại những sân vận động quốc tế. Các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu tranh nhau mua độc quyền đối với nội dung của Hàn Quốc, bao gồm cả các bộ phim tài liệu về BlackPink và BTS.
Đặc biệt, BTS là nhóm nhạc K-pop đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard Hot 100, biểu diễn tại giải Grammy danh giá. 7 thành viên trẻ còn vinh dự xuất hiện tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc và có bài phát biểu quan trọng.
Khi K-pop phát triển thành một cơn sốt văn hóa, các chuyên gia nói rằng đó không phải là một thể loại âm nhạc được tạo ra ở Hàn Quốc mà được tạo ra bởi Hàn Quốc.
Đối với nhiều người hâm mộ, văn hóa K-pop không chỉ có thời trang, ẩm thực và giải trí, mà còn là một cộng đồng nơi các nhóm yếu thế có thể đến với nhau. Theo LA Times, trong thế giới fandom K-pop, phụ nữ và người da màu chiếm đại đa số. Đối với họ, một phần của sự hấp dẫn là khả năng thay thế cho các mô hình văn hóa đại chúng phương Tây.
Thời điểm BTS khuynh đảo sân khấu toàn cầu trùng hợp với sự gia tăng của các phong trào xã hội như #MeToo và Black Lives Matter, góp phần nâng đỡ tiếng nói của những người yếu thế. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Với lời bài hát tập trung vào tình yêu và sự chấp nhận bản thân, người hâm mộ hình thành kết nối cộng đồng gần gũi thông qua âm nhạc của các nhóm thần tượng.
Vì sao K-pop phổ biến?
Đây là câu hỏi trả về 246 triệu kết quả trong vòng 0,3 giây khi tìm kiếm với Google. Từ các tạp chí lớn như Rolling Stone, The Washington Post, đến những công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế như Statista, Chatmetric đều muốn tìm ra câu trả lời dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau.
Hàng loạt lý do được đưa ra để giải thích cho thành công ngoạn mục của K-pop, đặc biệt là các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc. The Daily Star cho rằng cách tiếp cận khéo léo đối với các video âm nhạc, tài năng chân chính và sự chăm chỉ khiến K-pop khác biệt với bất kỳ thể loại âm nhạc nào khác hiện nay.
Theo Vox, K-pop trở thành một hiện tượng toàn cầu nhờ sự pha trộn đặc biệt của giai điệu gây nghiện, vũ đạo bóng bẩy và các chuyến lưu diễn rầm rộ của ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng - những người đã trải qua quá trình khổ luyện khắc nghiệt trong nhiều năm, tại hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của các tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc.
Trong khi đó, Lee Hye-jin, Giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California nhận định thành công của K-pop đến từ sự pha trộn giữa âm nhạc phương Tây và văn hóa Hàn Quốc. Điều này giúp cho K-pop thu hút được người hâm mộ quốc tế, bao gồm các thị trường nổi tiếng khó tính với nghệ sĩ không nói tiếng Anh.
Dưới góc độ dữ liệu thống kê, Statista chỉ ra 3 nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công vang dội của K-pop trong ngành công nghiệp giải trí và trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu.
Yếu tố đầu tiên là sự hấp dẫn của giai điệu âm nhạc, nhất là những điệp khúc (15,6%). Kế tiếp, đóng vai trò quan trọng không kém là ngoại hình và phong cách hấp dẫn của các nghệ sĩ (15,4%). Thể loại âm nhạc vượt ngoài khuôn khổ văn hóa Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 3 (14%). Đó là sự pha trộn giữa các loại nhạc pop khác với nhạc pop chính thống của Mỹ; sự kết hợp độc đáo của các loại R&B, hip-hop, thể nghiệm, rock, jazz, dance, disco và cổ điển.
Một số yếu tố khác cũng được đề cập gồm trang phục lộng lẫy, các chương trình được dàn dựng công phu, đắt đỏ, những buổi biểu diễn máu lửa của nhóm nhạc trên sân khấu hoành tráng.
Trong video âm nhạc K-pop, sự tương tác với nhiều yếu tố khác nhau, gắn kết giữa các thành viên ban nhạc và những bước nhảy sôi động, quyến rũ, tạo “trend” là yếu tố lôi kéo khán giả.
Các ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng K-pop của showbiz Hàn cũng có tính cách trái ngược với phương Tây. Họ khiêm tốn, dễ gần, trải qua quá trình đào tạo kéo dài hàng chục năm trước khi chính thức bước lên sân khấu. Ngoài khả năng ca hát, họ còn có kỹ năng như một diễn viên, vũ công chuyên nghiệp.
Như nhận định của Giáo sư Suk-Young Kim, một nhà nghiên cứu về sân khấu và biểu diễn tại Đại học California, tác giả quyển sách K-pop Live: Fans, Idols, and Multimedia Performance, K-pop đã mở ra một loại thẩm mỹ làm thay đổi thị hiếu, văn hóa đại chúng dựa trên sự biểu diễn sôi động, các sự kiện phát trực tiếp cho đến cả đồ chơi dành cho trẻ em.
Video có hơn 340 triệu lượt xem của ca sĩ Jisoo - thành viên nhóm BlackPink:
Nguyễn Hiếu (Tổng hợp)