Cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền mã hoá (cryptocurrency) với lý do nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm tài chính cũng như rủi ro ngày càng tăng đối với hệ thống tài chính do bản chất đầu cơ cao của các đồng tiền này. Điều này không bất ngờ, khi trước đó vào năm 2017, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm giao dịch tiền mã hóa trên toàn quốc.
Nhưng nguyên nhân sâu xa của các quy định chặt chẽ nhằm vào thị trường tiền mã hóa, cũng như các công ty công nghệ khổng lồ, là vấn đề kinh niên của Trung Quốc trong hàng chục năm qua.
Nguồn vốn bốc hơi
Trước đây, giới thượng lưu Trung Quốc thường né tránh việc kiểm soát vốn bằng việc mua bất động sản tại nước ngoài, linh hoạt các loại hoá đơn trong thương mại quốc tế, thậm chí là buộc các nhân viên phải chuyển tiền tới các tài khoản ngoại quốc.
Bất chấp việc Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc để hạn chế tình trạng chảy máu nguồn vốn, nhiều chuyên gia cho rằng trong giai đoạn 2009 – 2018, lượng vốn thoát khỏi đất nước này còn tăng lên đáng kể, đến mức có thời điểm, PBOC đã dừng công khai thống kê vốn xuất ngoại của nước này (giai đoạn 2015-2016, gần 1.000 tỷ USD rời bỏ đại lục).
Với Bitcoin, tình trạng này càng trở nên khó kiểm soát, khi không chỉ giới nhà giàu, mà giờ đây người dân có thể sở hữu các tài sản ở nước ngoài dễ dàng hơn. Tất cả là nhờ vào đặc tính phi tập trung và chỉ cần Internet để giao dịch của Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa dựa trên blockchain khác.
Mối đe dọa về dòng chảy vốn tiếp tục là ưu tiên của PBOC khi nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid -19, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc triển khai chiến dịch “thịnh vượng chung”, chương trình kinh tế mang tính hướng nội khi khuyến khích người dân đầu tư trong nước, đánh thuế thu nhập cao hơn với giới nhà giàu để phân bổ lại của cải xã hội.
Cựu cố vấn Li Daokui của PBOC đã cảnh báo rằng tốc độ hồi phục nhanh của nền kinh tế Mỹ có thể thu hút các dòng vốn, khi người dân Trung Quốc có xu hướng mua sắm tài sản tại Mỹ để đảm bảo an toàn tài chính.
Theo quan điểm của PBOC, các giao dịch tiền điện tử đã làm trầm trọng thêm vấn đề dịch chuyển vốn, căn bệnh mãn tính tại Trung Quốc. Với chương trình thịnh vượng chung, Trung Quốc đặt mục tiêu hạn chế chảy máu nguồn vốn và khuyến khích luân chuyển của cải trong nước. Và việc triển khai chương trình này sẽ gặp khó khăn nếu không cấm triệt để các hoạt động liên quan tiền điện tử.
Theo Chainalysis Blockchain, nền tảng theo dõi dữ liệu, trong giai đoạn 2019-2020, đã có hơn 50 tỷ USD tiền mã hoá rút khỏi khu vực Đông Á, và phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc.
Chainalysis ghi nhận phần lớn lượng vốn thoát khỏi Đông Á là đồng Tether (USDT), đồng mã hoá neo giá với USD. Tether trở nên phổ biến trong năm 2017 sau khi PBOC cấm giao dịch crypto tại Trung Quốc. Giao dịch từ Bitcoin sang Tether cũng bị cấm, nhưng người mua vẫn có thể bí mật trao đổi với các môi giới hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Theo cựu giám đốc nghiên cứu của Grayscale, Philip Bonello, Tether đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc vì giá trị của nó ổn định từ việc neo giá với đồng USD, giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi sang đồng pháp định.
Cấm tiền điện tử, nhưng thúc đẩy NFT
Cũng được phát triển dựa trên công nghệ blockchain, nhưng các mã hoá thông báo không thể thay thế (NFT) và tiền mã hóa lại có số phận trái ngược tại Bắc Kinh.
Tháng 1/2022, Blockchain Services Network (BSN), 1 công ty quốc doanh của Trung Quốc đã lên kế hoạch ra mắt nền tảng hạ tầng cho phép cá nhân và doanh nghiệp trong nước sản xuất, mua bán NFT..
He Yifan, giám đốc điều hành Red Date Technology, công ty hỗ trợ kỹ thuật cho BSN, khẳng định NFT sẽ “không gặp vấn đề pháp lý tại Trung Quốc” nếu không dính líu tới tiền điện tử như Bitcoin.
Giám đốc này cũng cho biết Trung Quốc đã cấm tất cả các blockchain như Ethereum, vốn được sử dụng như 1 sổ cái “mở” để hỗ trợ và theo dõi các giao dịch NFT. Do đó, BSN áp dụng mạng lưới kết hợp chuỗi khối từ Ethereum và 9 nền tảng khác để đáp ứng các yêu cầu từ nhà chức trách, như đảm bảo xác định danh tính người dùng và cho phép nhà nước can thiệp nếu xuất hiện các “hoạt động trái phép”.
Đến nay, lĩnh vực NFT của Trung Quốc có vẻ như đang là vùng xám. Hiện người dùng tại quốc gia này có thể sử dụng đồng NDT thay cho các đồng tiền mã hoá, để mua loại sản phẩm này trong nước.
Tháng 6/2021, gã thương mại khổng lồ Alibaba ra mắt bộ sưu tập 16.000 tác phẩm nghệ thuật NFT và bán hết veo chỉ trong vòng vài phút, qua hệ thống thanh toán di động Alipay. Đồng thời, đại diện công ty này cho rằng bản chất của NFT và Bitcoin có sự khác nhau.
“NFT không thể hoán đổi cho nhau cũng như không thể bị chia nhỏ, khiến nó khác về bản chất so với các đồng tiền mã hoá như Bitcoin”, người phát ngôn của AntChain, chi nhánh blockchain của Ant Group, thuộc tập đoàn Alibaba cho biết.
Trong những tháng tiếp theo, Alibaba cùng các gã khổng lồ công nghệ khác như Tencent, nền tảng truyền thông xã hội, Bilibili, công ty phát sóng video trực tuyến, và JD.com, công ty thương mại điện tử đã đổi tên các dịch vụ NFT thành “các bộ sưu tầm kỹ thuật số”, động thái mà các chuyên gia đánh giá là 1 nỗ lực tránh giám sát của nhà chức trách tại đây.
Dù vậy, các công ty công nghệ lớn nhất tại Trung Quốc vẫn chưa thể thu lời bất chấp nhu cầu NFT tăng cao, do người mua NFT tại đây chưa được phép bán lại bộ sưu tập của mình.
Vấn đề này hứa hẹn sẽ sớm được giải quyết, khi BSN đang hướng tới xây dựng một thị trường NFT trong nước, quy tụ và kết nối được các công ty tư nhân riêng lẻ đang sở hữu NFT khác.
Vinh Ngô
Mỹ cấm bán chip AI sang Trung Quốc
Các công ty như NVIDIA và AMD được yêu cầu dừng bán một số card đồ họa phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) cho các khách hàng tại Trung Quốc.