Vì sao bất động sản lên ngôi?
Trong cuộc khảo sát của Dân trí về kênh đầu tư trong nỗi lo lạm phát, 41% người tham gia khảo sát chọn đầu tư bất động sản, 23% chọn vàng, 21% chọn gửi tiết kiệm và 15% chọn mua cổ phiếu.
Chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh cho rằng người dân có xu hướng đầu tư vào bất động sản trong bối cảnh lạm phát gia tăng là điều hết sức bình thường.
Thứ nhất, bất động sản là kênh dễ mua và bán ở Việt Nam, có tính thanh khoản cao. Thứ hai, nhiều người có niềm tin rằng bất động sản còn tăng giá trong thời gian tới khi quỹ đất ngày càng hẹp dần. Thứ ba, bất động sản là tài sản đảm bảo tương đối tốt trong bối cảnh lạm phát gia tăng so với các mặt hàng khác.
"Trước nỗi lo lạm phát, người dân thường giữ tiền và đầu tư vào các tài sản thực, có giá trị đảm bảo cao. Một số nhà đầu tư không chọn vàng vì thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông với nhau mà đầu tư vào chứng khoán thì cũng bấp bênh, biến động nhiều. Trong khi kênh tiết kiệm lại không mấy hấp dẫn do lãi suất thấp nên mọi người thường đầu tư vào bất động sản, loại tài sản vừa giữ được tiền vừa chống lạm phát", ông Thịnh nói.
Lý giải thêm về lựa chọn của độc giả, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định bất động sản vẫn là kênh đầu tư truyền thống của người dân Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, không ít người cho rằng đầu tư vào chứng khoán có thể rủi ro hơn nên hướng tới bất động sản với hy vọng chúng không bị mất giá. Tuy nhiên, việc tăng giá bất động sản sẽ phụ thuộc vào từng phân khúc, địa điểm, đơn vị nào là chủ đầu tư, chủ quản lý dự án.
Nêu quan điểm về hiện tượng bất động sản "nóng" trong thời gian gần đây, ông Lực cho rằng, bất động sản nóng chủ yếu là ở phân khúc đất nền chứ không phải tất cả. Phân khúc này tạo ra nhiều cơn sốt khi các dự án, quy hoạch được thông tin ra. Như năm ngoái, chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các địa phương vào cuộc và kiểm soát vấn đề này tương đối tốt nhưng năm nay tình trạng này lặp lại.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố báo cáo thị trường bất động sản quý I với nhiều thông tin về giá đất nền. Cụ thể, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước).
Đáng chú ý, sang cuối tháng 3 năm nay, một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TPHCM, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh. Một số nơi có mức giá tăng 15 - 20% so với cuối năm 2021, tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021. Tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Các kênh đầu tư thời lạm phát
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Minh Tuấn - nhà sáng lập TOPI, đồng thời là CEO tại AFA Capital - cho biết, trong đầu tư, lạm phát được quan tâm vì liên quan đến giá trị thực, sức mua thực và cách tư duy về đầu tư "lấy lợi tức trừ đi lạm phát sẽ ra lợi ích thực".
"Do đó, nếu suy nghĩ trong môi trường vĩ mô, lãi suất đang được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức thấp như hiện tại để kích thích nền kinh tế, thì lạm phát nếu có xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các lớp tài sản", ông Tuấn nhấn mạnh.
Về tiền gửi tiết kiệm, hiện nay, lãi suất trung bình ở mức 5-5,5%/năm. Nếu lạm phát lớn hơn 4% như mọi người đang đồn đoán hoặc cao hơn nữa thì lợi ích thực từ tiền gửi sẽ bị âm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ là giữ một môi trường lãi suất thấp và ổn định để ổn định nền kinh tế, Do đó, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ phải kiểm soát lạm phát rất chặt và không đến mức như thị trường đang kỳ vọng. Mặt khác, ẩn sâu trong đó còn phải nhìn nhận GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm.
Về trái phiếu doanh nghiệp, nếu như lạm phát không ở mức 4% như kế hoạch năm nay mà ở một mức cao hơn thì với những trái phiếu doanh nghiệp tốt, có tài sản đảm bảo chất lượng, lãi suất cũng chỉ khoảng 8-9%/năm. Khi trừ đi như vậy, lợi ích thực cũng chỉ tương ứng mức 5% là rất thấp.
Đối với thị trường vàng, thời điểm này, những người đầu tư vàng từ đầu năm hoặc một cách đều đặn đang được hưởng thành quả khi nỗi sợ của thị trường về lạm phát bắt đầu tác động. Nghịch lý là hiện tại khi mọi người bắt đầu đổ xô sang mua vàng trong bối cảnh nguồn cung vàng miếng được kiểm soát thường xuyên, có sự găm giữ, thiếu hụt và thanh khoản thấp thì giá vàng biến động rất mạnh.
"Do đó, nếu chúng ta không có tư duy chu kỳ và chuẩn bị những lớp tài sản đầu tư từ trước và khi có kỳ vọng lạm phát đẩy mà lại đi mua lại tài sản với mức giá chênh lệch với thế giới rất cao thì đó là điều không được khuyến khích", ông Tuấn đánh giá.
Với 2 kênh tài sản còn lại là bất động sản và cổ phiếu, đến nay mọi người đang có thiên hướng đổ rất nhiều tiền vào bất động sản, cũng như một số cổ phiếu bất động sản đầu cơ.
"Theo tôi, với tất cả tài sản đầu tư, chúng ta phải hiểu chu kỳ của nó và chuẩn bị từ trước, đến khi sự việc thực sự xảy ra, thì đó chính là thời điểm có thể hái quả ngọt, chứ không phải dựa vào những thông tin trên thị trường mới đi mua vàng, mua bất động sản, hay đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu", ông nhận xét.
Ông Tuấn nói thêm rằng đặc tính của thị trường Việt Nam là cái gì "nóng" thì mọi người đổ xô vào, dẫn đến câu chuyện "đu đỉnh", cho nên nhà đầu tư phải có chiến lược rất rõ ràng để chuẩn bị.
Vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cảnh báo về sức ép lạm phát, đồng thời phải cân đối giữa câu chuyện chính sách tiền tệ và lạm phát, tính toán đến câu chuyện lãi suất. Để ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển thì lãi suất có lẽ sẽ không tăng. Do đó, hàng loạt các biện pháp phải đưa ra để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
(Theo Dân Trí)