Charlize Theron, "đả nữ" Nam Phi có màn trình diễn không mấy ấn tượng trong The Fate of the Furious hồi tháng 04, nhiều người đã có đôi chút thất vọng khi nữ hacker Cipher có vẻ giống như một chiếc bình hoa di động làm nền cho "gia đình" Toretto tha hồ phá phách, khác hoàn toàn với bộ mặt của nữ chiến binh Imperator Furiosa trong tuyệt phẩm Mad Max Fury Road 2 năm về trước. Và sự thất vọng đó bỗng biến thành kỳ vọng khi người ta được thưởng thức những đoạn trailer đầu tiên của Atomic Blonde, tác phẩm dựa trên bộ truyện tranh The Coldest City dưới bàn tay của vị đồng đạo diễn John Wick phần 1, David Leitch.
Berlin, những năm chiến tranh lạnh có vẻ đã trở thành chủ đề không có hồi kết đối với thế giới điện ảnh. Trước đây đã từng có The Man From UNCLE, một tác phẩm lấy đề tài phản gián tương tự, với bối cảnh bức tường chia cắt thành phố cũng là thứ chia đôi hai ý thức hệ và những âm mưu cùng kế hoạch phản gián của điệp viên các nước để phá tan những âm mưu đó. Đan xen giữa đó là những toan tính vụ lợi của từng quốc gia, ngay cả khi họ, trên giấy tờ, là những đồng minh thân thiết.
Atomic Blonde cũng không phải ngoại lệ, thế nhưng cốt truyện của phim lại chọn cho mình một thời điểm đầy biến động của thủ đô nước Đức, khi hai miền bị chia cắt cố gắng hàn gắn và phá vỡ bức tường chia đôi cả quốc gia. Ở trung tâm của cốt truyện là Lorraine Broughton, điệp viên MI6, được cử đến Berlin để điều tra về một bản danh sách các mật vụ nằm vùng của phe đồng minh, thứ có thể khiến mối quan hệ giữa các nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nó cũng là thứ khiến người bạn đồng nghiệp từng làm việc cùng cô, James Gascoigne bị hạ sát bởi mật vụ KGB ngay giữa lòng thủ đô nước Đức.
Cần phải nhắc lại, kể từ khi John Wick ra mắt, có không ít tác phẩm hành động bom tấn đã học hỏi cái cách những phân cảnh đánh đấm của gã sát thủ lừng danh. Không còn những cảnh quay rối rắm, chóng mặt mà thay vào đó, góc máy quay ổn định, được tính toán cẩn thận hơn rất nhiều nhưng không vì thế mà làm chậm đi tiết tấu và sức mạnh của nhân vật chính trong các cảnh phim. Atomic Blonde cũng không phải ngoại lệ. Những pha hành động của Theron trong phim thực sự chứng minh thêm một lần nữa, nàng diễn viên tóc vàng là một trong những đả nữ đẳng cấp nhất mà Hollywood đang có, bên cạnh những cái tên như Milla Jovovich, Michelle Rodriguez hay Scarlett Johannson ở thời điểm hiện tại.
Có một cảnh quay được trích dẫn trong những đoạn trailer trên YouTube chứng minh điều này. Không giống như trailer, kỳ thực nó là một cảnh hành động dài liên tục hơn 5 phút đồng hồ, không ngừng nghỉ, không cắt đổi góc quay, và đó, theo ý kiến cá nhân của tôi, là cảnh đắt giá nhất của cả bộ phim. Nó định hình cả nhân vật Lorraine lẫn phong cách hành động của cả bộ phim. Không cần đánh đấm đẹp mắt, chỉ cần thực dụng đến mức hoàn hảo kèm thêm góc máy đẹp là mọi vấn đề được giải quyết.
Trong phim, Theron không nói nhiều, mà nhường phần lời thoại cho các nhân vật khác. Cô chỉ việc làm những điều cô giỏi nhất: Hành động. Nhờ đó, bên cạnh điệp viên siêu hạng của MI6, bộ phim khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về "cuộc chơi" của các điệp viên giữa thời chiến tranh lạnh. Bộ phim hoàn toàn không có những nhân vật tốt, xấu như phim ảnh, mà chỉ có lợi ích cá nhân và quốc gia được đặt lên trên hết. Thay vào đó, khi thưởng thức bộ phim, chúng ta có thể nhìn ra được chỉ có những kẻ khôn ngoan hơn, may mắn hơn hoặc xui xẻo hơn mà thôi.
Hai điểm sáng của bộ phim chính là David Percival, do James McAvoy thủ vai, cùng nữ điệp viên Pháp gợi cảm dưới sự thể hiện của cô đào Sofia Boutella. Họ đem tới cho bộ phim "chất con người" rất riêng, với những lo lắng, bất an và toan tính riêng. Cũng phải khẳng định bản thân bộ truyện tranh The Coldest City là một tác phẩm tuyệt vời.
Nó tạo ra nền tảng để Atomic Blonde trở thành một bộ phim có chiều sâu rất riêng, không hời hợt về mặt cốt truyện như John Wick, mà cũng không quá căng thẳng mệt não như Tinker Tailor Soldier Spy, dù rằng bộ phim này và tác phẩm từng đem lại cho Gary Oldman một đề cử Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhât năm 2012 có phong cách không quá khác biệt.
Sở dĩ nói như vậy là vì, giống như xã hội nước Đức lúc bấy giờ, tương phản đến mức choáng ngợp. Nước phim ảm đạm, nhợt nhạt như chính tâm trạng con người khi ấy. Bản thân Lorraine cũng chẳng ăn vận sặc sỡ, mà thay vào đó là những bộ trang phục đen hoặc trắng, như cố gắng ẩn thân vào giữa guồng quay. Thế nhưng ở một khía cạnh khác, ánh đèn neon đầy màu sắc trong các quán bar, hay những bản nhạc rock, ballad cho đến synthwave nổi bật của những năm cuối thập niên 80 lại đóng vai trò cân bằng tiết tấu của phim.
Cốt truyện của Atomic Blonde chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được, nhưng xét chung đến những phim hành động thời gian gần đây, thì sức cuốn hút của nó có lẽ chỉ dừng lại sau John Wick Chapter 2 hay The Baby Driver. Vẫn còn những lỗi vụn vặt trong câu chuyện, bản thân những người để ý kỹ lưỡng sẽ phát hiện ra và suy đoán về plot twist của nhà làm phim, nhưng về cơ bản, những hé lộ trong tình tiết phim vẫn khiến người xem có chút bất ngờ, không quá thụt lùi so với phần hình ảnh và âm thanh vốn đã đem lại thiện cảm cho người xem.
Atomic Blonde sẽ chính thức khởi chiếu vào ngày 28/07 tới tại các cụm rạp chiếu phim trên toàn quốc.
Theo GameK