Nhật Cường vừa trở về nước sau 2 năm ở Mỹ vì lo gia đình và dịch bệnh. Anh tái ngộ với khán giả qua liveshow Cười để nhớ 5, chủ đề "Tiền nhiều để làm gì? Làm gì để nhiều tiền?", với sự tham gia của NSND Việt Anh, Trấn Thành, Hoàng Sơn, Cát Phượng, Lê Giang, Nam Thư... Dịp này, Nhật Cường trải lòng về cuộc sống, sự nghiệp và cuộc hôn nhân với bà xã sau 15 năm sống xa cách.
Sân khấu hài không còn, phải kiếm tiền nhờ YouTube
- Sau 10 năm mới làm liveshow, anh chuẩn bị những gì cho sự trở lại của mình?
Theo kế hoạch, liveshow đã diễn ra từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên buộc phải dời lại. Lần này về nước, tôi muốn thực hiện để hội ngộ khán giả, đồng nghiệp. Tôi vừa bán miếng đất ở Nha Trang được 2 tỷ để đầu tư vào các dự án của mình.
Trong liveshow, tôi vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn và tham gia diễn nên gặp áp lực. Khác với mảng nhạc, show hài đòi hỏi tính tương tác cao giữa các diễn viên. Vì tinh thần làm việc tập thể nên quá trình tập mảng miếng phải thật kỹ càng, trau chuốt. Chuyện sắp xếp lịch diễn rất khó khăn vì 26 nghệ sĩ khách mời mỗi người đều có công việc riêng.
May mắn là tôi được các đồng nghiệp nhiệt tình hỗ trợ. Khi tôi ngỏ lời, họ nhận lời ngay và không nghĩ ngợi chuyện cát xê. Cát Phượng nói sẽ không lấy chi phí vì xem đây là dịp anh em gặp gỡ đầu xuân. Còn Trấn Thành tôi chưa hỏi giá do chưa làm việc trực tiếp bao giờ. Nếu tính theo mặt bằng chung, tôi không bao giờ đủ tiền để trả cho em ấy. Thôi thì cứ gói ghém, dựa vào tiền thu được của show mà trả hợp lý.
- Sân khấu đìu hiu, đóng cửa trong vài năm qua khiến nhiều nghệ sĩ ngại làm show. Anh hẳn cũng chuẩn bị sẵn tâm lý chịu thua lỗ, vắng khách?
Liveshow không có tài trợ, tự tôi bỏ tiền túi cùng sự động viên, ủng hộ của một vài anh em thân tình. Vật giá bây giờ leo thang, từ âm thanh, ánh sáng đến chi phí in ấn, thuê địa điểm cũng là gánh nặng. Với tình cảnh như bây giờ, tôi càng không trông đợi khán giả sẽ phủ kín như cách đây 10 năm.
Quy mô của nhà hát khoảng 1.000 ghế, hiện đã bán được hơn 500 vé. Nếu may mắn có thể hòa vốn hoặc lời ít để chia cho anh em. Còn nếu lỗ tôi vẫn chấp nhận vì dẫu sao mình cũng có thêm một tác phẩm nghệ thuật trong sự nghiệp. Trên hết, tôi vui vì vẫn còn được làm nghề, tạo được sân chơi cho mọi người gặp nhau.
Tất cả đều nhờ ơn khán giả
- 30 năm làm nghệ thuật, anh thấy mình được và mất những gì?
Tôi thấy sự nghiệp mình êm đềm, dẫu không quá rầm rộ nhưng đủ tên tuổi, vị trí để sống thoải mái với nghề. Tôi được ăn sung mặc sướng, có xe có nhà và lo được cho người thân… Tất cả đều nhờ ơn khán giả. So với nhiều đồng nghiệp, Nhật Cường không kinh doanh nghề tay trái, chỉ sống nhờ thu nhập nghệ thuật nên tôi càng thấy mình may mắn.
Còn việc mất, tôi nghĩ cũng có nhưng không đáng kể. Làm nghệ thuật phải biết đánh đổi, hy sinh nên không cần thiết phải kể lể ra. Tôi chỉ trăn trở mỗi khi mình diễn chưa tròn vai, vở diễn chưa hút khán giả. Tới tuổi này vẫn còn lên sân khấu, còn cảm giác được lăn xả quả thực là một điều hạnh phúc.
- Nhật Cường bước qua giai đoạn hoàng kim, đã có tuổi và sẽ khó bắt nhịp với thị trường sôi động ngoài kia… Đã bao giờ anh trăn trở về điều này?
Tôi biết chứ! Mọi thứ đều là thời cuộc và quan trọng mình phải chấp nhận. Tôi không nuối tiếc quá khứ, không để những điều ấy làm gánh nặng. Dẫu đi chậm lại, ít hoạt động hơn nhưng tôi vui vì lựa chọn ấy giúp ích cho gia đình, vợ con.
Điều quan trọng là tôi còn làm nghề, vẫn giữ được lửa nghề sau bao nhiêu năm. Mỗi giai đoạn, tôi luôn ý thức bản thân phải vận động và thay đổi để thích nghi. Diễn xuất đã ăn trong máu, dù có đi đâu thì khi trở về sân khấu tôi mới là chính mình. Giờ cũng là lúc tôi hoàn toàn tập trung để được thỏa sức vẫy vùng với nghề.
Không ghen tuông khi sống xa nhau
- Những năm qua, thu nhập của anh với nghề thế nào?
Sân khấu khó khăn nên tôi đi diễn cũng hạn chế. Ngày xưa, dịp Tết tôi thường chạy một ngày mấy điểm diễn, chưa kể ở tỉnh, vậy mà giờ rất ít. Ở Mỹ, tôi cố gắng đều đặn mỗi tháng diễn 1 show.
Thu nhập chính của tôi hiện đến từ YouTube, khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Thời hoàng kim tôi cũng tích góp tiền để mua vài mảnh đất. Đó cũng là tài sản tôi để dành cho con trai khi mình về già, nghỉ hưu.
- Bà xã anh chia sẻ ra sao khi cả hai sống xa cách 15 năm, chồng lại nặng gánh kinh tế lo cho cả gia đình?
Tôi và vợ ngay từ đầu đã có thỏa thuận rõ ràng. Bà xã đưa con sang Mỹ du học, còn tôi ở Việt Nam cố gắng bươn chải kiếm tiền. Mục đích chúng tôi làm cuối cùng cũng vì con. Cả hai đều có những khó khăn, vất vả riêng nên chưa bao giờ chúng tôi phàn nàn, ghen tuông trách móc nhau.
Giờ phút này, tôi mừng vì chúng tôi vẫn còn tìm được tiếng nói chung, chưa bao giờ phải giấu giếm đối phương bất cứ chuyện gì. Điều đó có lẽ đến từ tình thương, trách nhiệm, hy sinh của tôi và bà xã vì tổ ấm nhỏ.
- Anh và vợ dành hết tâm sức lo lắng cho con trai từ nhỏ, anh đặt kỳ vọng vào con thế nào?
Nhật Thịnh - con trai tôi đã trưởng thành, hiện là sinh viên năm 2 ở trường đại học top đầu của Mỹ chuyên ngành dược. Tôi tự hào vì con hiểu chuyện và luôn suy nghĩ cho gia đình, người thân. Tôi đã mua ô tô, lo ổn định cuộc sống cho con.
Vợ chồng tôi dự định khi Nhật Thịnh tốt nghiệp đại học, bà xã sẽ về nước sống hẳn. Là cha mẹ, điều lo nhất là khi mình già rồi con cái sẽ tự lập thế nào. Của để dành của đời người là con cái thôi. Tiền bạc, danh vọng, địa vị chẳng mang theo được khi trăm tuổi.
- Tâm thế sống và làm việc của anh hiện ra sao?
Tôi giờ làm việc không phải để chăm chăm kiếm tiền hay danh tiếng nữa. Mấy chục năm qua, tôi đã cày đủ và tới lúc phải biết dừng lại để còn tận hưởng cuộc sống. 2 năm dịch bệnh ai cũng nghiệm ra cuộc đời vô thường. Tôi chỉ mong mỗi tối nhắm mắt ngủ ngon và mỗi sáng mở mắt vui khỏe để sống trọn vẹn một ngày, vậy là quá đủ!
Vợ chồng Nhật Cường mua xe cho con trai ở Mỹ