Các em học sinh vui vẻ chụp hình bên những khẩu hiệu với lỗi sai tai hại kia cũng chính là sản phẩm của một kiểu giáo dục cẩu thả, chạy theo hình thức và thành tích?
Ngày 19/5, chỉ ít phút sau khi đăng tải, nhiều tờ báo mạng đã đồng loạt gỡ xuống một bản tin. Thực ra, đó chỉ là một bản tin hết sức bình thường, khen ngợi một nhóm học sinh Hải Phòng mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng cùng xuống đường nhân dịp ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đằng sau sự nhầm lẫn tai hại
Bản tin đó chỉ trở nên bất thường khi người đọc phát hiện ra rằng tất cả những khẩu hiệu in trên những tờ giấy khổ lớn mà các bạn trẻ cầm trên tay đều ghi sai năm sinh của Bác (1840 thay vì 1890). Ngay lập tức, nhiều trang mạng xã hội đăng tải lại những bức hình này với không ít lời chỉ trích nặng nề.
Điều khiến nhiều người phải băn khoăn là tại sao cả trăm em học sinh, sinh viên vẫn vui vẻ, hồn nhiên tạo dáng chụp ảnh với những tờ khẩu hiệu sai rành rành này, thậm chí ngay dưới tấm biểu ngữ lớn của thành phố, trên đó đề rõ con số 123 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch?
Cá nhân người viết không quá khắt khe khi nhìn nhận sai sót của các em. Bởi lẽ dù chỉ là một hoạt động tập thể (mà nếu nói như cách của giới trẻ: "Vui là chính, chụp hình là chủ yếu") thì nó vẫn lành mạnh hơn nhiều trò ăn chơi khác. Và nếu như không có sai sót này thì các em cũng ít nhiều tạo nên một hình ảnh đẹp, một không khí đẹp trong lòng bạn đọc.
Đáng tiếc là cả trăm con người trẻ tuổi tươi tắn thể hiện tinh thần yêu nước và bày tỏ lòng kính yêu với một danh nhân của dân tộc nhưng không hề để tâm tới ngày sinh của người được mình ngợi ca.
Và cũng thật đáng tiếc khi những trang báo mạng ngày càng hời hợt, thiếu tôn trọng bạn đọc. Họ tự tin đóng dấu watermark lên những bức hình và viết tin khen ngợi mà không lưu tâm tới sự đúng sai của những gì mình đăng tải. Đến khi phát hiện sai sót thì lặng lẽ rút bài không một lời đính chính.
Không gì khác, đằng sau sự nhầm lẫn tai hại này là sự cẩu thả và thói ưa hình thức, sáo rỗng đang ngày càng phổ biến hơn trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Những tờ giấy đều ghi sai năm sinh của Bác (1840 thay vì 1890). Ảnh: FB |
Ai dạy thế hệ trẻ ngụy biện?
Lần tới trang facebook của một bạn nam có tham gia vào nhóm diễu hành này, người viết thêm một lần nữa ngạc nhiên bởi khi đón nhận sự phản ứng của dư luận, em có phần cho rằng sự việc không có gì đáng kể bởi đơn thuần đó là lỗi của... "thằng đánh máy."
Thái độ dửng dưng và lời ngụy biện này là điều chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn cả. Ở cái tuổi đầu đời, việc nói lời xin lỗi cho qua chuyện nhưng luôn thủ sẵn phương án đổ lỗi cho người thứ ba không phải quá hiếm hoi. Có lẽ, sự ngụy biện quen thuộc của một số quan chức lâu nay được các em học tập và làm theo "đúng lúc, đúng chỗ" đến vậy.
Có ai đó đã nói rằng ở Việt Nam, đánh máy là một nghề nguy hiểm bởi lẽ bất thình lình một ngày những "cậu đánh máy" hay "cô thư ký" có thể trở thành chiếc bình phong cho những sai phạm gây ra bởi sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm và thậm chí cả sự lập lờ đánh lận con đen của cấp trên.
Cho dù đó chỉ là lời nói đùa của một bạn trẻ, nhưng đáng buồn thay, lối tư duy đó đó đã vô thức đi vào tâm trí của giới trẻ. Thói quen ngụy biện của một bộ phận những người có chức, có quyền một khi được xã hội mặc nhiên chấp nhận sớm muộn cũng sẽ được giới trẻ học theo.
Điều đó góp phần lý giải vì sao không ít người trẻ hiện nay đang hình thành thói quen coi nhẹ trách nhiệm của bản thân, không dám tự chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình và luôn tìm cơ hội đổ lỗi cho người khác.
Gương xấu của người lớn đã được các em soi vào và bắt chước thành thạo! Thật đáng lo ngại nếu thế hệ trẻ lớn lên và thấm nhuần sự giả dối, ngụy biện của người lớn chúng ta, để rồi chính các em sẽ tiếp tục hành xử như thế trong cuộc sống và công việc.
Khi sự cẩu thả lên ngôi
Tròn 70 năm trước, trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao đã viết: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện"
Từ "bất lương" của nhà văn có lẽ là từ ngữ chính xác nhất để nói về sự cẩu thả. Nó trực diện hơn ngôn ngữ bóng bẩy của chúng ta hôm nay khi nói về những hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"
Nam Cao không sống tới hôm nay để chứng kiến sự cẩu thả mà ông ghê sợ đã lan tràn tới mọi ngõ ngách của cuộc sống. Có bao nhiêu dự án được phê duyệt cẩu thả khiến người dân phải tan tác di dời nhưng cuối cùng hiệu quả không thấy đâu, dừng lại không được mà tiếp tục cũng không xong? Có bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước làm ăn cẩu thả, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách mà pháp luật đành phải bó tay bởi động đâu cũng thấy "cơ chế, nhóm lợi ích".
Có biết bao nhiêu công chức Nhà nước được tuyển dụng cẩu thả, khiến cho bộ máy hành chính ngày càng cồng kềnh, trì trệ? Đến mức một vị Phó Thủ tướng đã phải thừa nhận rằng, khoảng 30% công chức hiện nay không có cũng không sao! Số công chức có "đa" mà không có "tinh" ấy là tác giả của không ít chính sách được ban hành cẩu thả, khiến người dân không biết xoay xở đường nào để chạy theo kịp luật.
Trong giáo dục, sự cẩu thả còn bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi mà chúng ta cho ra lò hàng loạt học sinh, sinh viên thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu cả trách nhiệm với bản thân mình và xã hội. Các em học sinh vui vẻ chụp hình bên những khẩu hiệu với lỗi sai tai hại kia cũng chính là sản phẩm của một kiểu giáo dục cẩu thả, chạy theo hình thức và thành tích?
Chưa kể, nhiều giảng viên đại học đã phải than thở rằng, so với trước đây, dù điểm luận văn tốt nghiệp ngày càng cao hơn nhưng chất lượng luận văn đang đi xuống bởi lẽ sinh viên ngày càng cẩu thả. Sinh viên không thích viết mà chỉ thích cắt dán từ trên báo mạng và các luận văn khóa trước, thậm chí không màng sửa lại diễn đạt, câu cú...
Nhưng trách cứ làm sao được sinh viên khi giới khoa học cũng đua nhau viết lên những công trình cẩu thả, được xét duyệt cẩu thả và nghiệm thu cẩu thả. Nghiệm thu xong tất cả lại xếp lên giá chờ bụi phủ.
Rõ ràng một khi sự cẩu thả đi cùng với thói chuộng hình thức và ngụy biện thì hậu quả sẽ thật khôn lường. Nhất là khi những thói tật đó lại được thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước tiếp thu và làm theo.
Khương Duy