Một đô thị sông nước với khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền từng bị bỏ quên. Những năm gần đây, người ta bắt đầu tin rằng làn gió từ dòng sông Sài Gòn hơn 300 năm lịch sử có thể tiếp lực cho đô thị này đột phá.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề đô thị sông nước hay "đánh thức” sông Sài Gòn đang được bàn luận rất nhiều thời gian gần đây.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là chuyên gia về quy hoạch với 40 năm kinh nghiệm về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.
Ông là con trai của KTS Ngô Viết Thụ - tác giả nhiều công trình kiến trúc hiện đại và nổi tiếng tại Việt Nam như Dinh Độc lập, Nhà thờ Phủ Cam, Viện Hạt nhân Đà Lạt, chợ Đà Lạt…
Ngô Viết Nam Sơn thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ như Đại học Washington tại Seattle và Đại học California tại San Francisco; Quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải - Trung Quốc); quy hoạch đô thị mới Filinvest (Philippines); Almaden Plaza, San Jose (Mỹ)…
Ông là thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc…
Ngô Viết Nam Sơn được biết đến với những phản biện chuyên môn thẳng thắn về các bất ổn trong quy hoạch của nhiều địa phương. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Nhận diện đô thị Việt Nam hiện đại”.
Đô thị sông nước bị bỏ quên?
Phóng viên: Xin chào Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Vài năm gần đây, vấn đề đô thị sông nước hay "đánh thức” sông Sài Gòn được bàn luận rất nhiều. Thưa ông, TP.HCM hiện nay có phải là một đô thị sông nước hay không?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trong lịch sử trên 300 năm phát triển, Sài Gòn – TP.HCM luôn gắn với sông nước. Chúng ta có bến Bình Đông, bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, có các bến thuyền dọc theo hệ thống kênh rạch chằng chịt… Từ xa xưa, nơi này đã là một đô thị sông nước. Sau năm 1975 cho đến thời kỳ đổi mới, TP.HCM lại phát triển theo hướng quay lưng ra sông, giao thông thuỷ lại không tốt. Đó là điều đáng tiếc. Tình trạng này kéo dài mấy thập niên, đô thị phát triển nhưng lại chủ yếu quay lưng ra sông.
Từ những năm 2000 trở đi, TP.HCM bắt đầu quan tâm đến việc phát triển ven sông. Thành phố triển khai các chương trình cải tạo sông và kênh rạch, tổ chức cuộc thi quốc tế năm 2003 về ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố bắt đầu phát triển về bên kia sông, dời cảng Ba Son, Tân Cảng…
Tuy nhiên thời gian đầu, sự phát triển này mang tính tự phát, thiếu một quy hoạch bài bản. Ai có đất ven sông thì cứ phát triển. Thời điểm đó, một số công trình ven sông có xu hướng chiếm sông làm của riêng, không có tuyến đường giao thông công cộng ven sông. Đến gần đây, thành phố bắt đầu có quy hoạch phát triển TP.HCM thì đặt vấn đề phải có quy hoạch suốt tuyến 82km ven sông Sài Gòn. Chính quyền bắt đầu vào cuộc, tìm cách thu hồi những dự án không phép ven sông và trả lại hành lang xanh ven sông. Và như vậy, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy giá trị của đô thị sông nước, quan tâm đến quy hoạch và quản lý hai bên sông cũng như hai bên kênh rạch.
Phóng viên: Năm 2022, trong cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn (do báo Tuổi Trẻ tổ chức), trên chuyến tàu khảo sát sông Sài Gòn với sự tham gia của lãnh đạo TP.HCM, ông cùng các chuyên gia đã trao đổi gì về vấn đề quy hoạch và phát triển dòng sông này, thưa ông?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Chuyến đi đó, khi đứng cạnh anh Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành uỷ TP.HCM) và anh Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM), tôi chia sẻ 3 điều. Thứ nhất, giá trị ven hai bên sông Sài Gòn và tiềm năng khai phá còn rất nhiều. Thứ hai, không nên khuyến khích “bức tường cao ốc” sát sông. Thứ ba, giao thông thuỷ còn lộn xộn, phải cân nhắc lại.
Chúng ta đã lỡ làm “bức tường cao ốc” ở khu vực Sài Gòn Pearl và Vinhomes, nhưng sẽ không khuyến khích tiếp tục. Các toà nhà cao tầng phải lùi về phía sau để trả lại không gian cho ven sông, công trình phải thấp dần về phía sông, các anh ấy đồng tình với quan điểm này.
Sau đó, lãnh đạo TP.HCM tiếp tục có các cuộc họp, những hoạt động thể hiện sự quan tâm rất lớn đến phát triển không gian ven sông Sài Gòn.
Phóng viên: Theo ông, TP.HCM có thể vận dụng mô hình quy hoạch và phát triển của nơi nào đối với sông Sài Gòn?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không có mô hình nào áp dụng 100% cho TP.HCM. Mỗi con sông trên thế giới này đều có bản sắc riêng, sông Sài Gòn cũng cần giữ bản sắc của mình.
Với kinh nghiệm của thế giới, quy hoạch sông Sài Gòn có thể học ở sông Sein (Pháp) về tổ chức không gian hai bên ven sông gắn với giao thông thuỷ cũng như hệ thống chiếu sáng; bài học từ sông Amstel ở Amsterdam (Hà Lan) là hệ thống giao thông công cộng đường thuỷ; bài học từ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc) là không gian ven sông hai bên và rất nhiều cây xanh…. Điển cứu có nhiều bài học hay có thể học tập nhưng sông Sài Gòn có đặc thù nên phải tính toán phù hợp.
Theo tôi, TP.HCM cần lưu tâm một số định hướng chiến lược. Thứ nhất, xem sông Sài Gòn là trục cảnh quan xương sống cho toàn đô thị. Trục cảnh quan này là điểm nhấn xanh của toàn thành phố.
Thứ hai, sông Sài Gòn phải nói lên được câu chuyện lịch sử trên 300 năm của TP.HCM. Chúng ta có những đoạn cần bảo tồn không gian lịch sử như bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ; có những đoạn cần chỉnh trang như cảng Sài Gòn, cảng Ba Son; cần có những đoạn phát triển mới như đoạn sông qua Khu chế xuất Tân Thuận, bán đảo Thanh Đa…
Cuối cùng, tôi hình dung quy hoạch bảo tồn và phát triển sông Sài Gòn giống như một bản giao hưởng, có cao trào năng động, có vui tươi, có êm ái và khoảng lặng.
Bạn tưởng tượng nhé, nền của bản giao hưởng chính là không gian xanh mặt nước, xuyên suốt, với hành lang xanh ven sông tối thiểu 50m, không loại trừ đoạn mở rộng lên 400m, rộng hẹp khác nhau. Đó là khung của bản giao hưởng.
Có những đoạn sôi động cao trào, năng động như khu trung tâm hai bên sông (Thủ Thiêm và quận 1) với những ngày lễ hội lớn, các hoạt động sôi động, bắn pháo hoa; có đoạn vui tươi sống động như Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn; có những đoạn không gian êm đềm như đoạn sông qua khu chế xuất Tân Thuận, bán đảo Thanh Đa. Và cuối cùng, bản giao hưởng nào cũng có khoảng lặng, có thể là đoạn sông khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không gian xanh phía Bắc. Như vậy, khi đi qua mỗi đoạn sông, cảm xúc mang lại sẽ khác nhau và hấp dẫn hơn.
Làm đến đâu đúng đến đó quan trọng hơn chuyện bao lâu
Phóng viên:Dòng sông nào cũng chứa đựng lịch sử, văn hoá của mỗi miền đất. Khi phát triển sông Sài Gòn, vấn đề bảo tồn và văn hoá cần được nhìn nhận như thế nào thưa ông?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Như tôi đã nói, dòng sông Sài Gòn cần quy hoạch, phát triển và phải nói lên được câu chuyện hơn 300 năm lịch sử. Bên cạnh những công trình cần bảo tồn, chúng ta cần bổ sung không gian xanh công cộng và giao thông thuỷ phải quy hoạch tốt hơn.
Giao thông thuỷ phải nối kết bên này và bên kia sông, như hình zigzag, gắn với giao thông công cộng, có tuyến đường hai bên sông, có các điểm dừng chân và đặc biệt, phải gắn với di sản văn hoá, có công trình điểm nhấn.
Không gian ven sông cần liên kết những công trình di sản, lịch sử, công trình văn hoá, mà theo tôi, thành phố hiện còn thiếu khoảng một chục bảo tàng.
Ta có thể hình dung không gian ven sông giống như không gian phòng khách của đô thị. Nếu thực hiện thành công, cuối tuần, người dân sẽ dồn về không gian công cộng ven sông để giao lưu, gặp gỡ, ăn uống, thăm các bảo tàng, sinh hoạt văn hoá. Gọi là không gian phòng khách vì mọi người sẽ giao lưu cộng đồng ở đó.
Phóng viên: Có những vị trí đẹp bên sông Sài Gòn đã bị các dự án bất động sản “trấn giữ”, điều này có nguy cơ lặp lại không khi thành phố tập trung khai thác tiềm năng lớn lao của dòng sông?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không chỉ TP.HCM mà nhiều nơi ở Việt Nam có xu hướng làm bức tường cao ốc, có lợi cho nhà đầu tư nhưng thiệt hại cho người dân phía sau. Xây một cao ốc mấy chục tầng sát sông thì khu đất phía sau mất giá trị, không có gió, nóng bức, không có view sông, không lành mạnh cho sự phát triển chung của thành phố.
Do đó, tôi cho rằng dứt khoát không khuyến khích làm bức tường cao ốc mà phân bố đều và giãn ra, tạo thành những khoảng thở. Dù là công trình địa ốc gì cũng phải để không gian sát sông phục vụ công cộng, tuyệt đối không cho dự án nào chiếm làm của riêng.
Cuối cùng, quy hoạch phải đa phương tiện, giao thông ven sông phải gắn với giao thông công cộng để người dân thuận lợi. Nghĩa là trên tuyến đường hai bên sông Sài Gòn, người dân có thể kết nối được với xe buýt, bãi xe, bus đường sông, taxi đường sông...
Chúng ta cần có định hướng phát triển, chỉnh trang, bảo tồn và phát triển sông Sài Gòn theo hướng đi từ trên xuống và đi từ dưới lên. Đi từ trên xuống là cần cơ chế đặc biệt để phát triển cho thành phố, cần có quy hoạch sông Sài Gòn, quy hoạch ven sông và nhà hai bên, các bến thuyền, không gian xanh, giao thông thuỷ…. Những vấn đề này đang được đưa vào quy hoạch chung của TP.HCM để trình Thủ tướng.
Đi từ dưới lên là song song với việc làm quy hoạch toàn tuyến, chúng ta xác định đoạn sông nào làm được thì lập quy hoạch chi tiết và làm ngay. Nếu cứng nhắc chờ quy hoạch toàn tuyến 82km dọc sông Sài Gòn đoạn qua TP.HCM mới thực hiện sẽ mất đi thời cơ.
Phóng viên: Thưa ông, phải chăng rất lâu và rất nhiều việc để thành phố có thể khai thác được tiềm năng của dòng sông?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi quan tâm hơn đến chuyện cần làm đúng hơn là chuyện bao lâu. Như tôi đã nói, đoạn nào làm được thì làm liền, làm tới đâu đúng tới đó. Như chuyện giao thông công cộng từ bến Bạch Đằng sang Tân Cảng, đừng có hẹn nữa. Chỉ cần đập bức tường ngăn khu dân cư Vinhomes sang Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) là đường sẽ thông nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Chúng ta không bàn, mà chỉ xắn tay vô làm mới thành hiện thực. Nếu chỉ nói, thì không biết bao giờ mới được.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về cuộc trò chuyện.