Với sức nóng của Đào, Phở và Piano, nhạc sĩ Dương Thụ tổ chức buổi giao lưu với chủ đề Từ Hà Nội mùa đông năm 1946 tới Đào, Phở và Piano để gặp gỡ, chia sẻ với hai đạo diễn phim là Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn.
Rất đông khán giả tới tham dự, đa phần là các bạn trẻ để hiểu hơn về hậu trường phim lịch sử.
Làm phim đề tài lịch sử vì sự thôi thúc từ bên trong
Đang ở Mỹ, đạo diễn Phi Tiến Sơn giao lưu trực tuyến với khán giả. Ông cho biết, qua bạn bè và mạng xã hội biết được phim của mình đang rất hot tại Việt Nam. Ông xúc động nhưng nói rằng mọi người gọi là "hiện tượng, gây hiệu ứng phòng vé" thì hơi quá.
Với ông, làm phim Đào, Phở và Piano không xuất phát từ việc Nhà nước đặt hàng mà bởi tình yêu với Thủ đô, nhất là phố cổ - nơi ông sinh ra và lớn lên. Vì vậy ông đã viết kịch bản này, qua nhiều khâu cũng xin được kinh phí làm phim do Nhà nước đặt hàng.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bản thân luôn thầm hứa phải làm gì đó vì Hà Nội. Tôi thấy mình có một món nợ với mảnh đất này. Nếu không vì sự thôi thúc, tôi đã làm phim khác kiếm được nhiều tiền hơn", đạo diễn tâm sự.
Ông khẳng định sự thành công, lan tỏa của bộ phim đến từ tiềm thức dân tộc sẵn có của người dân Việt Nam mà đạo diễn và đoàn làm phim chỉ là chất xúc tác để công tắc đó bật lên.
Với đạo diễn Phi Tiến Sơn, khó khăn khi làm phim là bắt buộc phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, trên thực tế việc ghi nhận lịch sử nhiều khi không hoàn toàn chính xác gây khó khăn cho đội ngũ sáng tạo.
"Trong mỗi người dân Việt Nam, lòng yêu nước, tự hào dân tộc luôn sẵn có. Vấn đề là chúng tôi đẩy công tắc, nhấn lửa bùng lên được như thế là ngoài mong đợi. Mong đồng nghiệp tiếp tục làm phim lịch sử dù biết rất chông gai. Sau sự bùng nổ của Đào, Phở và Piano tôi nhận được nhiều lời mời của các hãng sản xuất phim tư nhân nhưng không nhận lời, bởi con đường này khó đi", đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ làm phim có hai công đoạn gồm sản xuất và phát hành. Với riêng phim Nhà nước, từ khi xóa bỏ bao cấp, Nhà nước chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn bỏ lửng khâu phát hành, chỉ giữ lại một rạp quan trọng nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
"Đào, Phở và Piano là phim Nhà nước đặt hàng, mọi doanh thu sau đó nộp hết về ngân sách và chủ rạp không được chia phần trăm doanh thu. Do đó, Đào, Phở và Piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ", đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.
Còn vị đạo diễn phim Đào, Phở và Piano cho rằng nếu cứ vận hành theo cách như trên, "vừa tốn công, tốn sức của đoàn làm phim, đồng thời cũng là một ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của Nhà nước".
Mong khán giả xem phim với tâm thế rộng mở
Tại buổi giao lưu, đề tài về phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa, sự khó khăn khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của phim, xây dựng bối cảnh, phục trang... cũng được các diễn giả đề cập, phân tích.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn thừa nhận vì bối cảnh lịch sử khá xa so với thời điểm hiện tại nên ông không tránh khỏi sai sót khi thể hiện một số chi tiết trong phim.
"Tôi đã đi gặp một số cựu chiến binh để hỏi về cách họ cố thủ trong chiến lũy năm đó. Có bác nói với tôi rằng để 'nghi binh' phải dùng pháo tép đốt trên chiến lũy. Nhưng khi hỏi đem pháo tép lên đó như thế nào, đựng bằng vật liệu gì thì chính bác ấy cũng không còn nhớ rõ. Để dựng lại cảnh này, tôi buộc phải tự tìm tòi, sáng tạo. Có những chi tiết bản thân cũng bất ngờ khi được khán giả chỉ ra mình đã làm sai. Ví dụ như hình ảnh xe tăng trong phim, một số người cho biết thời điểm đó quân đội Pháp chưa sử dụng loại xe tăng này", nam đạo diễn nói thêm
Tuy nhiên, vị đạo diễn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim. Bởi việc dựng lại đúng hoàn toàn so với bối cảnh lịch sử không phải điều dễ dàng nên ông hy vọng khán giả sẽ xem phim với tâm thế rộng mở, chấp nhận một số chi tiết ước lệ, sáng tạo nếu không phải sai sót quá lớn.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn thể hiện sự tiếc nuối khi trường quay hoành tráng bậc nhất từ trước tới nay với dòng phim lịch sử đã bị phá dỡ. Nếu không, giờ nó sẽ là địa điểm để mọi người tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm, công nghiệp văn hoá là ở chỗ đó.
Một trích đoạn trong phim (nguồn: Doãn Quốc Đam):