Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn hơn 2.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,53%; cận nghèo còn hơn 2.600 hộ, tỷ lệ 4,66%.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, Lục Ngạn là một trong những huyện có tỷ lệ mở lớp tổ chức đào tạo nghề đạt mức rất cao (89% kế hoạch đề ra).
Năm 2024, huyện Lục Ngạn được phân bổ gần 2,5 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Đến nay, toàn huyện đã khai giảng 17 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho hơn 500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo tại 7 xã gồm: Biên Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Phú Nhuận, Phong Vân, Cấm Sơn, Đèo Gia.
Trong đó, huyện mở 7 lớp dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng và 10 lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, trồng trọt, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Để hoàn thành 100% kế hoạch đào tạo trong tháng 9, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; đôn đốc các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Nhờ đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn, tạo việc làm, không ít người nghèo, cận nghèo đã mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để vươn lên, ổn định cuộc sống. Tại huyện Tân Yên, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm hơn 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, chủ yếu là nghề may công nghiệp.
Chị Hoàng Thị Kiều (SN 1979), thôn Bãi Trại, xã Lan Giới, huyện Tân Yên là một trong số đó. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, chồng sức khỏe không tốt, khả năng lao động hạn chế, chi phí khám bệnh, điều trị tốn kém, trong khi các con còn nhỏ, chị trở thành trụ cột kinh tế, tinh thần chính trong gia đình.
Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề may công nghiệp do huyện hỗ trợ tiền đào tạo, chi phí đi lại, ăn uống, chị được giới thiệu vào làm tại một công ty may trên địa bàn huyện. Giờ đây, ngoài tiền lương mỗi tháng làm ở doanh nghiệp, chị còn tranh thủ nhận thêm hàng về nhà làm để có thêm thu nhập. Có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bớt khó khăn, tháng 3/2024, sau 3 năm tham gia lớp học, chị Kiều đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Không chỉ có chị Kiều, tại huyện Tân Yên, trung tâm dạy nghề liên kết trực tiếp với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển người, tạo cơ hội việc làm ổn định cho học viên các lớp học nghề ngay khi kết thúc khóa học.
Thực tế, trên toàn tỉnh Bắc Giang, giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm thông qua dạy nghề, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16.200 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022.
Từ đầu năm 2024 đến nay, 8 huyện tại tỉnh Bắc Giang (trừ TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên) đã khai giảng 51 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.800 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, góp phần giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm, tỉnh Bắc Giang tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để tổ chức đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng cho hộ nghèo, cận nghèo sao cho sát với nhu cầu thực tiễn nhất.
Đồng thời, tỉnh kêu gọi xã hội hóa nhằm đầu tư thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo nghề; phối hợp các ngành liên quan xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho học viên là người nghèo, cận nghèo sau khi tốt nghiệp khoá học.