‘Khát’ nhân lực an toàn, an ninh mạng
Thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng đã trở thành tình trạng chung nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, thiếu nhân lực an toàn thông tin cũng đang là thách thức lớn của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Nhận thức rõ nhu cầu nhân lực an toàn thông tin mạng ngày càng gia tăng, từ năm 2014 đến nay, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án 99 (năm 2014) và 21 (năm 2021) về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin.
Thực tế, việc triển khai các đề án nêu trên đã và đang góp phần bổ sung đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin chuyên nghiệp, lực lượng nòng cốt để bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia cũng như bảo vệ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Mỗi năm các trường đại học, Học viện trên cả nước đào tạo ra khoảng 2.000 sinh viên an toàn thông tin. Cùng với đó, còn có khoảng 5.000 lượt tập huấn về an toàn thông tin.
Dẫu vậy, nhu cầu nhân sự an toàn thông tin vẫn rất lớn. Hiện nay, không khó để tìm thấy các tin tuyển dụng về nhân sự an toàn, an ninh mạng; tuy nhiên, tính đáp ứng của thị trường và số lượng ứng viên có thể thỏa mãn yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng còn hạn chế.
Trao đổi tại tọa đàm về bảo mật thông tin được tổ chức ngày 9/4 vừa qua, ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam – VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết: Thời gian qua, nhiều chương trình đào tạo, khóa huấn luyện về an toàn thông tin đã được triển khai. Dù vậy, nguồn nhân lực đảm bảo an toàn thông tin tại Việt Nam hiện vẫn đang thiếu rất nhiều.
Bên cạnh việc thiếu hụt nhân sự, các chuyên gia cũng nhận định rằng, một vấn đề nữa đặt ra liên quan đến nhân lực an toàn thông tin là vẫn còn độ ‘vênh’ giữa nhu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với thực tế đào tạo của các trường. Nguyên nhân là do công nghệ thay đổi liên tục từng ngày từng giờ, nhưng chương trình đào tạo lại cần thời gian để phê duyệt và triển khai nên cần có một khoảng thời gian mới thay đổi, điều chỉnh được.
Câu chuyện thực tế của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin đã được Bộ TT&TT nhìn nhận rõ. Vì thế, trong Đề án 21, bên cạnh các mục tiêu về đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở nước ngoài và đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân trong nước, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân và đào tạo an toàn thông tin theo cơ chế xã hội hóa.
Học thực chiến về an toàn thông tin cùng chuyên gia
Với mong muốn góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, đồng thời, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế về nhân sự an toàn thông tin, ngày 15/4, Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh - SCS (SafeGate) và Hệ thống đào tạo CNTT quốc tế Bachkhoa-Aptech đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia bảo mật mạng, an ninh mạng theo chuẩn quốc tế.
Trong khuôn khổ hợp tác, Bachkhoa-Aptech và SafeGate sẽ xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo an toàn, an ninh mạng theo lộ trình tinh gọn từ 4 tháng tới 2 năm, phù hợp cho nhiều đối tượng như: Học sinh mới tốt nghiệp THPT yêu thích và đam mê lĩnh vực an ninh mạng; Sinh viên đang học CNTT và chuyên ngành an toàn thông tin tại các trường đại học, cao đẳng; Người đi làm muốn chuyển đổi ngành nghề hoặc nâng cao kiến thức về an toàn thông tin.
Giám đốc Bachkhoa-Aptech Kiều Đức Hạnh cho biết, các chương trình được Bachkhoa-Aptech và SafeGate ‘may đo’, thiết kế sát với yêu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, có sự đồng hành sâu của các chuyên gia an toàn thông tin. Các chương trình được thiết kế theo định hướng đào tạo thực chiến với 900 giờ chuyên môn theo mô hình ‘Làm trước - Học sau’; 3 tháng thực tập tại doanh nghiệp; Trang bị kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh, kỹ năng mềm cùng kỹ năng digital marketing cho học viên.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng các chương trình đào tạo hợp tác này sẽ rút ngắn được khoảng cách nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên bắt nhịp nhanh và sớm bứt tốc. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tuyển dụng và sở hữu cam kết cống hiến lâu dài từ đội ngũ nhân sự an toàn, an ninh mạng chất lượng”, ông Kiều Đức Hạnh chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc SCS Ngô Tuấn Anh, trực tiếp giảng dạy cho các học viên là đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm của 2 đơn vị, kết hợp với nhiều chuyên gia an toàn thông tin nhằm không chỉ mang lại sự đa dạng về kiến thức, kinh nghiệm mà còn giúp học viên thấy được những góc nhìn rộng hơn về các vấn đề, thách thức thực tế của ngành.
Các chương trình đào tạo do SCS và Bachkhoa-Aptech hợp tác thiết kế và tổ chức đào tạo sẽ tập trung vào thực hành, với thời gian dành cho thực hành chiếm tới 75% thời lượng, thông qua đào tạo ‘on job training’ cùng các chuyên gia để học viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế.
“Lộ trình học được thiết kế theo sát nhu cầu doanh nghiệp, chọn lọc từ các dự án thực tế và cập nhật công nghệ mới. Điều này giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực tiễn và tích lũy kinh nghiệm công việc ngay từ khi đang học, tạo ra lợi thế khi bước vào thị trường lao động”, ông Ngô Tuấn Anh cho hay.
Ngoài cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, an toàn thông tin, Bachkhoa-Aptech và SafeGate cũng cam kết các học viên tham gia các chương trình đào tạo có thể làm việc được ngay sau khi hoàn thành khóa học, đồng thời cam kết tất cả học viên sẽ được giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp.