Phải đáp ứng 'tiêu chuẩn xanh'
Sau 3 năm triển khai EVFTA cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam EU đã trở thành hiện thực. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản... tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững... với hàng hóa nhập khẩu mà chúng ta gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.
Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà là thách thức với cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này. Bởi các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang dần được thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn, xanh hơn. Do đó, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng: Trong Hiệp định EVFTA có một chương là Phát triển bền vững. Vấn đề phát triển bền vững trong EVFTA đề cập đến hai lĩnh vực, một là về môi trường và hai về lao động.
Về môi trường, trong EVFTA đề cập đến bốn khía cạnh chính: biến đổi khí hậu; đa dạng sinh học; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.
"Về biến đổi khí hậu, bản chất theo EVFTA hai bên sẽ phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình liên quan đến cơ chế về định giá carbon, giảm thải carbon. Từ đó, đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, làm sao đảm bảo được quy trình sản xuất của mình, thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường. Tóm lại chúng ta phải xanh hóa quá trình sản xuất", ông Khanh lưu ý.
Doanh nghiệp phải thích ứng
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững của EU là một xu thế chung tất yếu. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
"Nếu như hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn và các yêu cầu liên quan đến xanh, bền vững mà EU áp đặt thì cũng không có cơ hội nào để tận dụng những ưu đãi thuế quan cả", bà Trang nhấn mạnh.
Vì vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay các yêu cầu về phát triển bền vững của EU là xu thế chung. Nếu hàng hóa của Việt Nam tuân thủ và thực hiện được những yêu cầu đó, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ: Dệt may là mặt hàng được cho là tác động đến môi trường lớn thứ ba ở EU, nên ngay từ đầu DN xác định đây là một vấn đề phải bám rất sát.
Về phía Tập đoàn Dệt may, ông Anh bày tỏ: "Là những nhà sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi nhận thấy rằng tất cả những nhà mua hàng lớn trên thế giới hiện nay đều có một chiến lược phát triển bền vững của riêng mình. Họ cũng công bố rộng rãi".
Adidas và Nike đều đặt ra mục tiêu đến 2025 hay đến 2030 là dùng 50% nguyên liệu tái chế được. Họ có một chương trình phát triển bền vững rất cụ thể nên khi làm theo yêu cầu của họ, Tập đoàn Dệt may cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu. Nguyên liệu cần mang tính chất là tự nhiên và có thể tái chế được.
"Vinatex xác định phát triển bền vững là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ", ông Vương Đức Anh nói.