Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và NSND Khải Hưng chia sẻ quan điểm cá nhân với VietNamNet sau khi xem bộ phim đang gây tranh cãi 'Đất rừng phương Nam'.
- Là người đã xem Đất rừng phương Nam và theo dõi dư luận quanh bộ phim những ngày qua. Ông nhìn nhận sự việc ra sao dưới góc độ nhà văn về một tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học nổi tiếng?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Tôi cho rằng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh rất khác nhau. Sẽ có những điều chỉ có lời văn mới thể hiện được, như nhà văn Đoàn Giỏi đã miêu tả rất tài tình sông nước Nam Bộ. Nhưng phim ảnh lại cần thêm nhiều tình tiết để hấp dẫn khán giả hơn nên khó mà đòi hỏi phim ảnh phải giống hệt như tác phẩm văn học.
Hơn nữa, nếu chỉ minh họa 100% tác phẩm văn học thì công chúng cần gì xem phim nữa. Điện ảnh, với ngôn ngữ đại chúng và gần gũi, dễ gây cảm xúc, có lợi thế rất lớn tạo ra các cảm xúc mới, giá trị mới cho cộng đồng. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã đạt được sự toàn mỹ về cảm xúc và tinh thần. Tuy nhiên cũng có rất nhiều bộ phim chỉ làm được một phần nhỏ nhiệm vụ ấy.
Tôi đã xem Đất rừng phương Nam và theo dõi dư luận về bộ phim. Quả thực, một bộ phim không có cảnh nóng, không có yêu đương trai gái mùi mẫn mà khiến dư luận quan tâm cũng chứng tỏ những phim chính luận hay, có lý tưởng vẫn được công chúng mong mỏi. Nhưng dư luận đôi khi quá quan tâm đến một vài chi tiết, hình ảnh chưa hợp lý mà bỏ quên đi những hình ảnh tích cực, những cảm xúc mới mẻ mà bộ phim mang lại.
- Một bộ phim điện ảnh nếu không phải phim tài liệu thì vốn dĩ là một tác phẩm hư cấu, lại được làm dựa trên một tiểu thuyết văn học hư cấu? Vậy chúng ta nhìn nhận điều này thế nào?
Tôi cho rằng điều quan trọng là phim đảm bảo được tinh thần của tiểu thuyết, còn ngay cả nguyên tác cũng là tác phẩm hư cấu nên chúng ta có thể dành nhiều không gian cho sự sáng tạo. Điều quan trọng của một tác phẩm nghệ thuật là tạo ra các cảm xúc tích cực, tạo ra mỹ cảm mới cho cộng đồng.
- Vậy nên đánh giá một tác phẩm điện ảnh theo góc nhìn ra sao? Thế nào là một tác phẩm hay và có nên nhìn nhận một bộ phim dựa trên cảm xúc nó mang lại hay khán giả phải tỉnh táo khi xem phim, đưa nó vào bối cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá đúng sai, thưa ông?
Theo tôi, trước tiên là đánh giá tác phẩm ấy một cách độc lập, một bộ phim trọn vẹn bao gồm câu chuyện, diễn xuất, âm nhạc, hình ảnh. Trong trường hợp này, tôi nghĩ không phải 100% khán giả ra rạp xem phim đều đọc tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, cũng như toàn bộ đều đã xem bản truyền hình năm 1997.
Nhiều khán giả trẻ sinh ra sau khi bộ phim truyền hình đã chiếu. Thế nên tôi nghiêng về cảm xúc đem lại cho khán giả mà ở đây tôi thấy là tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và cả kích thích trí tò mò tìm hiểu về giai đoạn ấy. Sau khi tò mò thì khán giả tùy nghi nghiên cứu theo sở thích của mình. Đó cũng là giá trị của một tác phẩm điện ảnh hay, nó khiến người ta muốn tìm hiểu sâu hơn nữa.
NSND Khải Hưng: Đất rừng phương Nam là phim ổn!
"Đất rừng phương Nam là phim tập tục, là phim giải trí chứ không phải là phim lịch sử. Nhiều người trên mạng xã hội hay ở đâu đó phân tích lịch sử rất minh triết về việc sử dụng các hội đoàn gì đó trong phim. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Những người làm phim truyện có thể dựa theo hơi hướng nào đó, một tác phẩm và có thể đẩy lùi cả trăm năm về trước hoặc tương lai cũng chẳng sao, miễn là chạm đến trái tim của người xem.
Nếu để nhặt sạn thì rất nhiều và bất kể phim nào cũng có thể nhặt sạn. Nhưng Đất rừng phương Nam đầu tư tốt, nghiêm túc, âm nhạc hay, âm thanh tốt, quay phim đẹp, đạo diễn dàn dựng các cảnh đông người công phu mà có lẽ Đất rừng phương Nam là phim có cảnh đông người nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tất cả các nhân vật muốn miêu tả trong đám đông ấy đều nổi bật lên, đó là điểm cộng cho phim.
Nếu so với truyện Đất rừng phương Nam thì phim vẫn còn thiếu nhiều lắm nhưng chẳng sao cả bởi phim chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết. Tôi nghĩ không nên vùi dập một bộ phim như thế mà nên động viên nó để có thể làm tốt hơn.
Tinh thần của bộ phim Đất rừng phương Nam không hề mất đi. Có thể ở góc độ của phim truyền hình cách đây gần 30 năm, người ta nhìn nó bằng con mắt khác và bây giờ nhìn bản phim điện ảnh với con mắt khác, của những người trẻ hơn. Đó là điều chúng ta cũng phải học chứ đừng phê phán vội.
Nhìn ở góc độ phê phán lịch sử thì không sai nhưng nếu áp dụng vào đây thì có nên không? Vì Đất rừng phương Nam không phải là phim lịch sử, không nói đến lãnh tụ hay đề cập đến sự kiện cụ thể nào. Có thể đoàn phim không nghiên cứu, tên hội đoàn đề cập trong Đất rừng phương Nam có thể trùng tên với hội đoàn Trung Quốc nhưng điều đó không quan trọng.
Đừng bấu víu vào đấy để xé toang ra thành chuyện to tát rằng phim phản động, điều đó không đáng mà nên khuyến khích những bộ phim thế này. Tất nhiên phim vẫn có nhiều điểm có thể thay đổi, phải thay đổi theo góc nhìn của tôi - một nhà làm phim U80. Song vì đang học cách nhìn của người trẻ nên tôi sẽ không bao giờ nói giá như thế này, giá như thế kia, bởi tôi có làm phim đâu mà phát ngôn?
Phim nào có tiếng tôi đều đi xem nhưng thật lòng mấy năm nay tôi không ưng tác phẩm nào, kể cả những phim thu vài trăm tỷ của Trấn Thành. Còn với Đất rừng phương Nam, theo quan điểm của tôi là một bộ phim ổn. Nếu điện ảnh có nhiều phim dân dã và công phu thế này là điều rất đáng khen.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ quan điểm với VietNamNet liên quan đến ồn ào của phim 'Đất rừng phương Nam' cũng như vai trò của Cục Điện ảnh.
Xung quanh những tranh cãi về nội dung phim 'Đất rừng phương Nam', VietNamNet ghi nhận ý kiến của giới làm phim về tác phẩm này cũng như quan điểm về sự sáng tạo trong điện ảnh.