Một trong những dự án đáng chú ý chậm triển khai tại các khu vực đất vàng của Hà Nội là dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng, do Công ty Cổ phần thời đại mới T&T làm chủ đầu tư.

Công ty được giao đất từ năm 2011 để thực hiện giải phóng mặt bằng (khi đó khu đất chưa được GPMB), tại quyết định giao đất dự án có chức năng là trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư tại chỗ. Do việc GPMB phức tạp nên từ 2011 đến 2015 mới thực hiện xong. Năm 2013, T&T tiến hành khoan cọc thử thí nghiệm để lấy số liệu phục vụ công tác lập thiết kế kỹ thuật cho dự án.

Quá trình triển khai GPMB, các hộ dân đã lựa chọn phương án nhận đền bù bằng tiền không nhận nhà tái định cư nên ngày 24/4/2012, UBND TP. Hà Nội đồng ý chủ trương cho Công ty T&T được chuyển mục đích sử dụng đất từ chức năng TTTM và nhà ở tái định cư sang chức năng TTTM, văn phòng và nhà ở bán.

{keywords}

Đến ngày 9/1/2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc với chiều cao 8 tầng, 6 tầng hầm; ngày 11/5/2015, UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 13/11/2015 UBND TP ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; tiếp sau đó phải triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Chủ đầu tư đã tích cực triển khai các thủ tục để có thể sớm khởi công xây dựng công trình, tránh thiệt hại thêm về kinh tế do đã chi vào dự án hơn 1.000 tỷ đồng để đền bù GPMB, di dời nhà máy nhựa sang địa điểm mới.

Do đó, chi phí GPMB thực tế chủ đầu tư phải bỏ ra cao hơn so với phương án tính toán ban đầu, chủ đầu tư đã phải đền bù, di chuyển nhà máy nhựa sang huyện Gia Lâm; đền bù cho các hộ dân với giá trị theo mức giá thị trường của khu vực hồ Hoàn Kiếm là 1 tỷ đồng/m2.

Theo chủ đầu tư, với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch so với phương án được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 88/QHKT-TMB-PAKT ngày 9/1/2015.

Quá trình triển khai điều chỉnh quy hoạch thực hiện đầy đủ các thủ tục hướng dẫn của cơ quan nhà nước. Quá trình xem xét việc điều chỉnh quy hoạch, UBND TP đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi sang chức năng thương mại, khách sạn.

Đến ngày 1/9/2017, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan (các hội nghề nghiệp liên quan) nghiên cứu giải quyết hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch.

Do thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch đã kéo dài nhiều năm và phức tạp, chưa rõ có kết quả nên ngày 16/7/2018, chủ đầu tư đã báo cáo UBND TP cho phép tiếp tục triển khai Dự án xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán theo phương án quy hoạch đã được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 88/QHKT-TMB-PAKT ngày 9/1/2015.

Công ty đang gấp rút hoàn tất các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng, khởi công dự án.

Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri quận Hoàn Kiếm về một số dự án chậm triển khai tại phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt đã bỏ không từ lâu, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm thành phố.

Câu chuyện về giải phóng mặt bằng với mức đền bù giá “khủng”, “kỷ lục” chưa từng có trong tiền lệ đã khiến khu đất ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng trở thành vị trí “đắt xắt ra miếng” giữa Thủ đô.

Năm 2010, dư luận đã có thời điểm “hốt hoảng” về mức giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa từng có từ trước đến nay tại các địa chỉ 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng. Để di dời 300 hộ dân cư trú trên diện tích 300m2, chủ dự án đã chấp nhận mức giá 500 triệu đồng/m2.

Trong số này, 15/17 hộ đã thống nhất mức giá đền bù. Tuy nhiên, duy nhất 2 hộ đơn phương phản đối. Không chấp nhận mức giá đền bù 600 triệu đồng/m2, hai chủ hộ này đã đưa ra con số đền bù 1 tỷ đồng/m2.

Duy Anh