Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn – CRED, Tổ chức Sáng kiến gia vị bền vững (IDH) và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Nedspice Việt Nam) vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Dấu chân carbon và giải pháp giảm phát thải trong chuỗi cung ứng” tại trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu ban đầu đo lường và đánh giá dấu chân carbon bằng các công cụ SSI, CFT và các giải pháp gợi mở giảm phát thải trong chuỗi cung ứng của ngành quế và gia vị, cà phê, trồng rừng đổi chứng chỉ carbon… đã được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, đại diện Nedspice Việt Nam đã giới thiệu về hoạt động thí điểm về sản xuất quế́ bền vững tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Theo đó, các hoạt động được thiết kế dựa trên: Kinh nghiệm của nhân viên trong trong các chương trinh sản xuất bền vững, chứng nhận và làm việc gần gũi với nông dân; Kiến thức và kinh nghiệm của công ty trong việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiếp cận thị trường bền vững (cách tiếp cận từ nông dân đến thị trường) trong ngành hàng gia vị; Sự hỗ trợ, điều phối và giám sát của các chuyên gia giàu kinh nghiệm về canh tác và sản xuất bền vững của công ty, đối tác liên quan…
Triển khai trong 2 năm 2022-2023, dự án đặt mục tiêu thiết lập mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với nông dân trồng quế ở tỉnh Yên Bái tuân thủ các tiêu chuẩn của nhà máy và yêu cầu của thị trường; Triển khai chương trình sản xuất chứng nhận (RA-UEBT) cho nông dân. Bên cạnh đó là giới thiệu các sáng kiến về giảm thiểu khí thải CO2 thông qua quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; Thực hiện các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển chuỗi giá trị bền vững với các địa phương khác.
Cũng theo đại diện của Nedspice Việt Nam, dự án cũng khảo sát, phỏng vấn các nông hộ trồng quế để tiến hành đo lường khí thải CO2 trong giai đoạn canh tác cây quế (trồng, chăm sóc, khai thác) và đưa ra những khuyến nghị về các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tăng cường loại bỏ carbon trong các khâu/công đoạn sản xuất quế tại tỉnh Yên Bái.
Báo cáo kết quả khảo sát dấu chân carbon sản phẩm vỏ quế tại Yên Bái, đại diện Trường Đại học Lâm Nghiệp cho biết nguyên nhân cơ bản của biến đổi khí hậu toàn cầu là lượng phát thải khí nhà kính (thành phần chính là lượng phát thải carbon) ngày càng tăng. Dự án khảo sát đã tiến hành phân tích dấu chân carbon trong giai đoạn canh tác và vận chuyển, chế biến Quế tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thông qua việc nghiên cứu quá trình canh tác, kết hợp điều tra phỏng vấn 35 hộ gia đình từ tổng số 243 hộ gia đình tham gia dự án "Phát triển chuỗi cung ứng quế bền vững tại tỉnh Yên Bái" của Nedspice với sự đồng tài trợ từ IDH.
Kết quả phân tích từ số liệu thu được cho thấy lượng phát thải trung bình trên 1 kg sản phẩm vỏ quế là 1,5915 kg trong đó mô hình canh tác của hộ có lượng phát thải thấp nhất là 0,171 kg, hộ có lượng phát thải cao nhất là 6,248 Kg CO2e/1 kg vỏ quế. Trong quá trình chế biến và vận chuyển sau khi thu hoạch tổng cộng lượng phát thải của các nguồn là 0.549 kg CO2e/1kg vỏ quế. Từ kết quả trên, dự án đưa ra một số khuyến nghị ban đầu đã được đề xuất đề giảm thiểu lượng phát thải tạo ra trong quá trình canh tác quế chủ yếu tập trung vào giảm nguồn phát thải từ hoạt động canh tác của người dân.
Cũng tại hội thảo, đại diện của Trofaco - Công ty về kinh tế – xã hội được thành lập vào năm 2014 bởi các chuyên gia người Đan Mạch và CRED - Tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2014 với các chuyên gia người Việt Nam cũng cung cấp đến đại biểu tham dự hội thảo Dự án trồng cây – Phát triển cộng đồng & thị trường nhằm loại bỏ khí CO2. Dự án hợp tác này có mục tiêu chung hỗ trợ người dân trồng rừng lâu năm với phương thức hỗn giao nhằm góp phần tăng độ che phủ và đa dạng sinh học giảm thiểu phát thải CO2, phòng chống sạt lở, lũ quét và biến đổi khí hậu.
Dự kiến những năm tiếp theo Trofaco tìm kiếm khách hàng mua tín chỉ carbon sẽ cam kết đầu tư mở rộng quy mô hàng năm trên 20ha.
Hiện khu vực 2 xã Xuân Nha, Tân Xuân huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La có trên100 hộ gia đình đăng ký tham gia dự án, trung bình mỗi hộ gia đình trồng diện tích 1ha.