TP.HCM vừa tổ chức đấu giá 4 lô đất “đắc địa” trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, mang về 37.346 tỷ đồng.
Đấu giá là phương pháp bán hàng hóa và dịch vụ bằng cách xướng giá tối thiểu, sau đó để cho mọi người trả giá, người nào trả giá cao nhất sẽ mua được. Đây là hình thức bán hàng đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Tuy vậy, kết quả phiên đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn Thành phố Hà Nội với thời gian kỷ lục, kéo dài từ 9h sáng 5/11 xuyên đêm đến 6h sáng ngày 6/11, lại bật tín hiệu không thể không lo đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước, lẫn việc xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống của người dân.
Trước hết, với kết quả đấu giá vừa công bố, giá cát sẽ cao đến mức cả nhà nước và người dân không thể chịu nổi.
Ở mỏ cát Liên Mạc, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác gần 510.000 m3, giá trúng lên đến 410 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm. Như vậy, giá cát ở mỏ này sẽ là 803,9 nghìn đồng/m3.
Mỏ cát Châu Sơn có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác hơn 700.000m3, giá trúng thầu gần 400 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Với kết quả này, giá cát của mỏ là 571,4 nghìn đồng/m3.
Còn mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng được cấp quyền khai thác gần 5 triệu m3, giá trúng thầu là 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm. Như vậy, giá cát của mỏ là 176,8 nghìn đồng/m3.
Mà đây mới là giá tạm tính, chưa bao gồm các chi phí khác như khai thác, nhân công, vận chuyển, thuế mà nhiều người trong ngành cho biết, phải thêm vài chục phần trăm nữa.
Như vậy, giá cát, ví dụ, từ mỏ Liên Mạc được chở đến chân công trình sẽ phải có giá khoảng 1 triệu đồng/m3, thậm chí là hơn nữa, một mức giá nằm ngoài sự tưởng tượng và không thể chịu đựng nổi đối với cả người dân lẫn Nhà nước.
Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, đang xây dựng rất nhiều công trình để tháo gỡ một trong ba điểm nghẽn chiến lược là thiếu hụt cơ sở hạ tầng mà Đảng và Nhà nước đã xác định.
Xây dựng đường Vành đai 4 ở Thủ đô và các tỉnh lân cận là một trong những công trình thể hiện quyết tâm đó. Hiện nay, chính quyền Hà Nội và các tỉnh trong dự án đang gấp rút triển khai dự án này, song đang gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng kể bậc nhất là thiếu cát và vật liệu đắp nền.
Dự án này cần 1,87 triệu m3 đất đắp, khoảng 5,53 triệu m3 cát… nhưng chính quyền đang gặp vô vàn khó khăn, phần vì nguồn cung hạn chế, phần vì giá thị trường rất cao.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, giá vật liệu đắp nền thực tế đang cao hơn đáng kể so với giá đã được phê duyệt. Trong khi giá phê duyệt là 170.000 đồng/m3 thì giá thực tế khoảng 250.000 đồng/m3.
Trước đó, chính quyền Hà Nội đã ba lần điều chỉnh đơn giá vật liệu đắp nền, từ 67.000 đồng/m3 lên 170.000 đồng/m3 hiện nay, nhưng vẫn không theo kịp giá thị trường.
Mà đơn giá này mới chỉ tương đương giá đấu tại mỏ Tây Đằng - Minh Châu (176,8 nghìn đồng/m3), mỏ có giá cát thấp nhất trong ba mỏ mới được đấu giá ở Hà Nội, chứ đừng nói đến mỏ Liên Mạc, như đã phân tích trên.
Cho nên, nếu mua đất đắp nền và cát cho đường Vành đai 4 và nhiều công trình hạ tầng khác ở Hà Nội theo giá của các mỏ vừa đấu giá, thì chắc chắn chi phí xây dựng, số vốn của dự án sẽ đội lên gấp nhiều lần, còn các nhà thầu sẽ gặp khó khăn và ngoảnh mặt.
Mà đó mới chỉ là công trình của Nhà nước đội vốn, chưa kể đến hàng trăm, hàng ngàn công trình dân sinh khác của người dân, của doanh nghiệp.
Ở bình diện quốc gia, cát và vật liệu đắp đường ngày càng khan hiếm. Thủ tướng đã nhiều lần ra công điện cho các địa phương về đảm bảo vật liệu cho đắp đường cao tốc Bắc – Nam và nhiều tuyến đường huyết mạch khác đang trong quá trình xây dựng. Nhiều “cơ chế đặc thù” đã được áp dụng để mở mỏ riêng với giá đất/cát thấp hơn thị trường cho một dự án cụ thể, khi cung cấp xong cho dự án thì đóng mỏ lại.
Lý do thì có nhiều, nhưng lý do cơ bản nhất là đơn giá của Nhà nước thấp hơn nhiều so với đơn giá thị trường. Đơn giá của Nhà nước đương nhiên không thể theo kịp đơn giá thị trường. Nhà nước không thể “hào phóng” chi tiêu tiền thuế của dân trong khi các chủ mỏ sẽ chỉ bán theo thị trường, chưa kể họ có thể thao túng.
Hệ lụy là nhiều công trình cả nhà nước và tư nhân đội vốn rất đáng báo động còn nhà thầu thua lỗ.
Các doanh nghiệp xây dựng khi đấu thầu dự án, thì giá vật liệu xây dựng ở một mức thấp hơn, khi triển khai dự án thì giá vật liệu đắp đường như cát, đá tăng cao nhưng không thể điều chỉnh được vì đơn giá của Nhà nước, tức chủ đầu tư, là cố định.
Điều này dẫn đến nhiều nhà thầu không triền khai, xây dựng vì sẽ lỗ nặng, thậm chí có nhiều doanh nghiệp làm đơn trả lại các dự án sau khi đã trúng thầu.
Một phần của bức tranh này cũng được phản ánh ở Quốc hội. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nói: theo đánh giá lượng cát về trên sông Tiền, sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long so với năm 2003, tức là 20 năm trước, lượng cát bây giờ về chỉ còn được khoảng 30%, tức là giảm đi 70% do các đập, các công trình được xây ở thượng nguồn.
Nhiều phương án đã được đưa ra, ví dụ dùng cát biển đắp nền, nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn khoa học và môi trường. Câu chuyện về thiếu cát, vật liệu đắp đường và nhất là đơn giá vẫn sẽ tiếp tục kéo dài.
Vì lẽ đó, việc đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá đấu cao gấp 200 lần giá khởi điểm không thể là niềm vui với cả Nhà nước lẫn người dân trong công cuộc phát triển chung.
Cách tiếp cận “ngân sách nhà nước bội thu vì tiền trúng đấu giá cao hơn rất nhiều giá khởi điểm” có thể đúng ở một góc cạnh, nhưng không đúng ở đại cục cho cả Nhà nước và người dân.
Tất nhiên, cần ủng hộ cơ chế đấu giá mỏ cát và các loại tài nguyên khác thay vì chỉ định, xin – cho, thậm chí là tiếp tay, thông đồng cho cát tặc, song cách tiếp cận phải khác đi, đặc biệt phải có chế tài nghiêm, ngặt nghèo để chống thao túng.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá thành công nhưng lại bỏ thì cần phải bị cấm tham gia đấu giá 5-10 năm hoặc vĩnh viễn, thay vì chỉ một năm hiện nay. Tiền đặt cọc cũng cần tăng lên 20-40%, thay vì 15% để tránh tình trạng các doanh nghiệp không đủ khả năng vào nâng giá cao, cuối cùng lại bỏ, gây lũng đoạn.
Những bài học đấu giá biển số xe đẹp, đất Thủ Thiêm và chứng khoán, người thắng thầu trúng đấu giá rồi xù, thao túng thị trường cần phải được rút ra bằng chế tài đủ mạnh. Bàn tay Nhà nước là rất cần ở góc độ này để thị trường vận hành đúng nhịp vì lợi ích chung.
Tư Giang