Bệnh dễ lây lan
Tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh tay chân miệng ở nước ta có xu hướng xảy ra vào mùa hè và đầu thu. Trong năm nay, từ tháng 4 tới tháng 6 là thời điểm bệnh tay chân miệng đang gia tăng số ca mắc. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, phổ biến là do nhóm Coxackievirus và Enterovirus 71.
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chính là điều trị triệu chứng, hỗ trợ, đồng thời theo dõi các biến chứng, kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp có bội nhiễm.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.
Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày, nhưng cũng có một tỷ lệ bệnh nhi gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện của bệnh tương tự loét miệng bao gồm:
- Các vết loét thường ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, miệng, lưỡi khiến trẻ đau, khó nuốt, ăn uống kém, quấy khóc khi ăn.
- Ban phỏng nước nổi gồ trên da, sờ vào chắc, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông.
- Trẻ có thể sốt nhẹ và sốt cao, nếu trẻ sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Bác sĩ Thúy cho biết đối với trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ (chỉ có loét miệng và mọc ban da), bé có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Lưu ý, cha mẹ nên cho uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Vệ sinh răng miệng và thân thể hàng ngày tránh bội nhiễm.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiêu nặng cần cho trẻ nhập viện gồm:
- Sốt trên 39 độ, nôn nhiều, giật mình.
- Có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ.
- Run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
- Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.
Phòng bệnh tay chân miệng
Theo bác sĩ Thúy, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa như ngăn chặn nguồn lây, vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng. Cụ thể:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã,…
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; rửa sạch vật dụng ăn uống; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; hạn chế cho trẻ dùng chung đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, không mớm thức ăn cho trẻ trong khi đang có dịch.
- Thường xuyên vệ sinh các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi ở lớp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.