Anh N.M.N. (31 tuổi, trú tại Sơn Tây, Hà Nội) đến Bệnh viện E (Hà Nội) khám vào đầu tháng 5 và được bác sĩ chẩn đoán ung thư bàng quang. Theo chia sẻ của bệnh nhân, anh có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt kéo dài nhưng chỉ nghĩ viêm bàng quang. Gần đây, tình trạng ngày càng nặng kèm tiểu có máu tươi. Anh tới một bệnh viện gần nhà kiểm tra. Bác sĩ siêu âm thấy có u trong bàng quang và giới thiệu anhđi kiểm tra chuyên sâu.
Anh được bác sĩ chụp MRI và sinh thiết chẩn đoán ung thư bàng quang. Bản thân anh có tiền sử hút thuốc lá từ năm 16 tuổi. Các bác sĩ cho rằng đây là nguyên nhân khiến anh mắc ung thư bàng quang. Hiện, anh được mổ nội soi cắt u bàng quang và điều trị bơm hóa chất.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính do các tế bào của bàng quang phát triển bất thường, mất kiểm soát của cơ thể, có khả năng xâm lấn mô, tạng , tổ chức khác của cơ thể (90% là ung thư tế bào chuyển tiếp).
Ung thư đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư tiết niệu. Nguy cơ nam giới mắc cao gấp 2 lần nữ. Bệnh thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Các yếu tố gây ung thư bàng quang như thói quen nghiện hút thuốc lá nhiều, lâu ngày. Người bệnh tiếp xúc lâu dài với hóa chất nhuộm anilin, các hợp chất amin thơm, các hóa chất trong sản xuất công nghiệp cao su.
Dấu hiệu ung thư bàng quang, theo bác sĩ Liên, người bệnh có các biểu hiện như:
- Tiểu máu: Đột ngột, không đau, tái phát.
- Rối loạn tiểu tiện: Đái buốt, đái rắt, tiểu khó.
- Đau: Đau vùng tiểu khung, đau thắt lưng khi đi tiểu.
Biểu hiện toàn thân, ung thư bàng quang người bệnh thường không có thiếu máu ở giai đoạn sớm.
Khi khám trực tiếp bác sĩ thấy ở cầu bàng quang, miệng sáo dương vật có máu.
Để chẩn đoán chính xác ung thư bàng quang, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sâm ổ bụng (khi bàng quang đầy nước tiểu): Thành quang quang dày, có u sùi, có máu cục. Siêu âm là phương pháp phổ biến để chẩn đoán sớm.
Các biện pháp chụp CT, MRI, xạ hình… sẽ đánh giá chính xác giai đoạn, mức độ di căn, xâm lấn. Bác sĩ có thể nội soi bàng quang kèm sinh thiết làm giải phẫu bệnh.
Với ung thư bàng quang, bác sĩ Liên cho biết điều trị đầu tay vẫn là phẫu thuật. Phương pháp mổ nội soi cắt đốt u qua niệu đạo ngược dòng được áp dụng cho các giai đoạn sớm T1, T2a.
Ngoài ra, bác sĩ có thể mổ mở truyền thống để cắt bàng quang bán phần, cắt bàng quang toàn bộ có tạo hình quang quang cho các giai đoạn T2b, T3, cắt bàng quang toàn bộ đưa 2 niệu quan ra da, dẫn lưu bàng quang áp dụng cho giai đoạn muộn hơn T3, T4… tùy thuộc vào trình độ, điều kiện của cơ sở y tế.
Sau phẫu thuật, người bệnh điều trị thêm các phương pháp bổ trợ khác như bơm hóa chất vào bàng quang, xạ trị. Các thuốc điều trị ung thư toàn thân.
Ung thư bàng quang nếu phát hiện sớm ở diai đoạn I tiên lượng điều trị lên tới 88-98%, ở giai đoạn II, III: 46-63%, giai đoạn IV cơ hội chỉ dưới 15%.
Vì vậy, bác sĩ Liên khuyến cáo nam giới đặc biệt là tuổi từ 50 trở lên nếu có hiện tượng tiểu ra máu, tiểu nhiều lần (do bị kích thích), tiểu rát, buốt, đau hoặc tình trạng đau lưng, đau vùng chậu cần đi kiểm tra sức khỏe ngay. Việc chẩn đoán ung thư bàng quang không khó nên người dân không nên chủ quan.
Để phòng bệnh, theo bác sĩ mọi người cần nói không với thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Nếu làm việc ở môi trường phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại thì nên thực hiện bảo hộ lao động tốt.
Người mang bệnh này nguy cơ ung thư gần 100% sau 40 tuổi
Phát hiện ung thư giai đoạn muộn sau 6 tháng điều trị nhầm