Trung tâm Y tế Cẩm Khê (Phú Thọ) cảnh báo tình trạng nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì viêm loét hay chảy máu dạ dày, sẹo môn vị dạ dày do loét.
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhi Đ.X.P (13 tuổi) vào viện vì đau bụng nhiều, nôn ra máu. Kết quả nội soi dạ dày tá tràng cho thấy bệnh nhi bị tổn thương thực quản, viêm niêm mạc dạ dày, sẹo loét cũ hành tá tràng gây co kéo môn vị. Với tổn thương này, bệnh nhi có nguy cơ cao bị hẹp môn vị. Bốn ngày trước, trẻ cũng có kết quả nội soi tương tự.
Trường hợp khác là bé N.M.T, 10 tuổi, vào viện vì đau bụng, kết quả nội soi cho hình ảnh loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày.
TS.BS Bùi Văn Tân Chủ nhiệm khoa Khám bệnh, Bệnh viện 108 (Hà Nội) cho biết viêm dạ dày là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm các vấn đề với điểm chung là viêm niêm mạc dạ dày.
"Viêm nhiễm của viêm dạ dày thường là kết quả của nhiễm trùng với cùng một vi khuẩn gây loét dạ dày" - TS Tân nói.
Viêm dạ dày có thể xảy ra bất ngờ (viêm cấp tính) hoặc xảy ra từ từ (viêm mạn tính). Một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến viêm loét và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, theo TS Tân, với hầu hết mọi người, viêm dạ dày không nghiêm trọng.
Viêm loét dạ dày ngày càng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở trẻ em. Đây là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em, trong đó điển hình là do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) hay do tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc giảm đau và kháng viêm; stress, học hành căng thẳng, thức khuya và ăn uống, sinh hoạt không điều độ cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày...
Bệnh viêm loét dạ dày nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có tiến triển tốt. Nếu để bệnh nặng, tiến triển thành mạn tính việc điều trị sẽ khó, lâu, tốn kém. Nếu không điều trị, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, ung thư dạ dày...
Biểu hiện trẻ bị viêm loét dạ dày
Nhiều trẻ đến viện, chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng thường có biểu hiện đau bụng kéo dài, đau ở vị trí dạ dày như đau thượng vị, đau liên quan tới bữa ăn, ăn uống kém, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một số trẻ có triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu lượng nhiều, đi ngoài phân đen. Ngoài ra, có nhiều trẻ xét nghiệm cho thấy bị thiếu máu nhưng điều trị bình thường không đỡ, cũng có thể do viêm loét dạ dày tá tràng.
Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ em. Nhiều trường hợp do không được phát hiện đã dẫn đến bị xuất huyết tiêu hóa nặng, thủng ruột, thiếu máu gây da xanh, chóng mặt, hoa mắt.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện đau bụng nhiều lần, khó chịu ở đường tiêu hóa (đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua); trẻ khó ngủ, mệt mỏi, suy nhược... nên đưa đến cơ sở y tế.
Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống. Để phòng bệnh cho trẻ, trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng do HP thì bát, đũa, cốc, chén không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi rửa sạch. Bác sĩ cũng khuyên không nên mớm thức ăn, không ôm hôn trẻ.
Khi trẻ có chỉ định điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, phụ huynh phải tuân thủ phác đồ điều trị để hạn chế biến chứng thủng dạ dày, chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, môn vị, ung thư dạ dày và lây nhiễm cho người khác.
Việc điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP thường kéo dài 6-8 tuần, thậm chí 10 tuần đối với những ổ loét lâu lành. Cho con tái khám là yêu cầu quan trọng bởi thực tế không ít trường hợp nhập viện trở lại trong tình trạng đã nặng.