Tại hội thảo “Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C= SET +1” được tổ chức bên lề Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6, các chuyên gia hàng đầu đã chia sẻ nhiều góc nhìn tích cực về sự phát triển của công nghiệp bán dẫn Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT), công nghiệp bán dẫn là nền tảng cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, ô tô tự động hóa,... Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này nếu muốn trở thành quốc gia phát triển.

Chính vì thế, Việt Nam vừa ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các mục tiêu tham vọng. Trong đó, việc phát triển chip chuyên dụng được xác định là một trong những định hướng chính.

Lý giải về điều này, theo ông Nguyễn Khắc Lịch, chip chuyên dụng dễ thiết kế, dễ chế tạo hơn so với chip đa dụng, đồng thời có chi phí sản xuất thấp hơn. Điều này phù hợp với năng lực và định hướng phát triển của Việt Nam.

Chip Make in VN 1.jpg
Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông chia sẻ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Ảnh: TĐ

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng và tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của nước ta.

Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm chip chuyên dụng có giá trị gia tăng cao, đồng thời xây dựng hệ sinh thái công nghiệp điện tử vững mạnh.

Song song đó, Việt Nam cần làm chủ về công nghệ nhằm giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, ngành công nghiệp chip bán dẫn được coi là "mạch máu" của nền kinh tế số toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các quốc gia.

Chip là nền tảng của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính đến ô tô và hệ thống trí tuệ nhân tạo. Theo dự báo của Gartner, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn có thể đạt hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, việc làm chủ ngành công nghiệp chip không chỉ đảm bảo an ninh công nghệ và tự chủ nguồn cung, mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia và doanh nghiệp muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Chia sẻ về hành trình làm chủ chip 5G Make in Viet Nam, ông Nguyễn Trung Kiên cho hay, vào năm 2017, Viettel đã quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu Chip nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ về thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. 

Đến nay, Viettel đã thiết kế thành công hai dòng chip 5G trên công nghệ 28 nanomet. Đơn vị này cũng đã xây dựng được đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, làm chủ toàn bộ quy trình thiết kế chip và các công nghệ liên quan.

Mục tiêu của Viettel đến năm 2030 là làm chủ thiết kế và sản xuất các loại chip chuyên dụng cơ bản phục vụ cho các sản phẩm công nghệ cao. Đơn vị này cũng tiến tới làm chủ các dòng chip cơ bản cho các ngành công nghiệp điện tử trong nước.

Đồng thời, Viettel ấp ủ tham vọng xây dựng và đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.

Chip Make in VN 2
Ông Trần Phú Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT Semiconductor. Ảnh: TĐ

Chia sẻ nhận định chung, ông Trần Phú Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT Semiconductor, cho hay ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể trong những năm gần đây. 

Đây là ngành mà Việt Nam có có nhiều lợi thế như tốc độ tăng trưởng cao, nguồn lao động gần với ngành bán dẫn, cùng sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

Theo ông Sơn, ở chiều ngược lại, ngành bán dẫn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như cạnh tranh toàn cầu gay gắt từ các nước trong khu vực, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm và sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.

Hiện FPT đang tham gia vào việc giải bài toán thách thức này với việc phát triển mảng thiết kế chip, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, bao gồm cả việc tuyển dụng và đào tạo sinh viên mới ra trường.

Bên cạnh đó, FPT cũng có tham vọng kết hợp giữa ngành bán dẫn và các lĩnh vực khác như chuyển đổi số và năng lượng sạch để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.