Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này (15-19/4) nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Như vậy, sau 11 năm, lần đầu tiên NHNN có kế hoạch mở trở lại kênh đấu thầu vàng miếng SJC, với kỳ vọng đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với thế giới.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC. 

Theo ông Khánh, để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. NHNN đã sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên.

W-vang-18-1.jpg
Theo chuyên gia, đấu thầu vàng miếng là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC. Ảnh: Minh Hiền

Việc đấu thầu vàng miếng, ông Khánh cho rằng, chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giảm ở mức độ bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng vàng mà NHNN sẽ cung ứng ra thị trường. 

“Chẳng hạn, thị trường cần 10.000 lượng trong một tuần, NHNN cung ứng đủ số lượng đó mới có thể kéo giảm chênh lệch giá. Nhưng nếu chỉ cung cấp được 2.000-3.000 lượng, giá sẽ giảm phần nào nhưng vẫn cao.

Qua một vài phiên đấu thầu sẽ phần nào nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó Nhà nước sẽ cân nhắc cung ứng số lượng vàng SJC bao nhiêu”, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, đánh giá, việc NHNN đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được vấn đề cung - cầu trong ngắn hạn.

Ông Nghĩa góp ý, cách làm đúng vừa có giá trị ngắn hạn lẫn dài hạn, phù hợp thông lệ quốc tế, dễ kiểm soát là cho các công ty đủ điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu vàng và kiểm soát bằng thuế.

Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, NHNN đấu thầu vàng để tăng cung, khả năng chênh lệch giá được thu hẹp là điều được kỳ vọng. 

Tuy nhiên, chia sẻ với VietNamNet, ông Minh lo ngại, khi người dân có nhu cầu giữ vàng miếng nhiều, tăng đột biến, liệu Nhà nước có đủ nguồn lực để nhập khẩu vàng hay không, bởi việc nhập khẩu còn liên quan đến ngoại hối?

Do đó, ông Minh đề xuất, giải pháp dài hơi hơn là xây dựng thị trường vàng hiện đại để phục vụ nhu cầu giao dịch, mua bán của người dân. 

“Cần có sàn giao dịch để mọi người có thể dễ dàng mua bán trao đổi. Ở đó, người dân sẽ tham gia giao dịch mua bán tín chỉ vàng do Nhà nước phát hành. Việc mua bán như cầm tờ tiền giấy, giá trị tương đương một lượng vàng nhất định. Việc này sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, giảm được việc nhà nước phải nhập khẩu vàng. Qua đó, có thể đưa được số vàng tích trữ của người dân vào nền kinh tế, để lưu thông”, ông Minh cho hay.

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh, Nghị định 24 quy định chỉ có NHNN mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, nghị định này cũng cho phép NHNN có thể ủy quyền cho đơn vị nào đủ khả năng nhập vàng nguyên liệu về để chế tác vàng nữ trang, vàng 9999.

Vì thế, ngoài đấu thầu vàng miếng để tăng cung, khi sửa đổi Nghị định 24, cần bỏ độc quyền vàng SJC, bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để thị trường dễ dàng hơn.