Dân số già, nhà bán khó
32 tuổi và hiện là một luật sư ở Thành phố Quảng Châu, Patrick Lu không quan tâm đến đầu tư nhà ở. Khác hẳn với bố mẹ của anh khi họ sở hữu vài căn hộ 2 phòng ngủ trong thành phố.
Patrick Lu cho hay, hầu như những người Trung Quốc sinh từ những năm 1960 đến 1980 đều dành phần lớn thu nhập để đầu tư bất động sản. Nhưng thế hệ trẻ không còn suy nghĩ như vậy nữa. Tài sản cha mẹ để lại sẽ không có giá trị như trước đây, nhất là ở các thành phố nhỏ. Sự thật là ngày càng ít người trẻ mua nhà hơn.
Theo Joseph Chamie, nhà nhân khẩu học và cựu Giám đốc Ban Dân số Liên Hợp quốc, dân số già kết hợp với tình trạng suy giảm dân số sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực với thị trường nhà ở.
Tăng trưởng dân số của Trung Quốc bắt đầu chậm lại vào năm 2016 và tổng dân số đã giảm 850.000 người vào năm ngoái, xuống còn 1,4118 tỷ người. Đây là lần giảm đầu tiên trong 60 năm qua.
Dự báo, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,313 tỷ vào năm 2050 và xuống dưới 800 triệu vào năm 2100. Dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi, ở mức 882,22 triệu vào năm ngoái, nhưng tổng số này dự kiến sẽ giảm hơn một nửa vào cuối thế kỷ.
Số lượng thanh niên Trung Quốc, từ 25 đến 39 tuổi, được dự báo sẽ giảm từ 325 triệu xuống 220 triệu vào năm 2050.
“Chỉ còn 27 năm nữa thôi, nhóm người mua nhà ở lần đầu sẽ giảm 1/3”, George Magnus, cộng sự nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Oxford nói.
Theo nhà nhân khẩu học Joseph Chamie, người Trung Quốc kết hôn và sinh con ở độ tuổi còn trẻ đang giảm, cùng với đó là dân số già. Lĩnh vực bất động sản từng “sốt xình xịch” có thể sẽ “nguội lạnh”.
Li Feng, 37 tuổi, sống với mẹ 75 tuổi ở thành phố Tô Châu, phía tây Thượng Hải, đã ưu tiên bán một trong hai căn hộ mà cô sở hữu trong năm nay.
Cô cho biết, sau khi người mẹ qua đời, cô sẽ sống một mình. Với khoảng 265.000 USD dự kiến từ bán nhà, cô sẽ dành phần lớn để gửi tiết kiệm, cải tạo căn hộ nhỏ và đi du lịch mỗi năm.
Giới trẻ không ham đầu tư bất động sản
Nhà nhân khẩu học Joseph Chamie cho hay, dù thị trường bất động sản Trung Quốc đang thu hẹp nhưng sẽ rất tích cực nếu thu nhập hộ gia đình được cải thiện theo thời gian để mọi người đủ khả năng nâng cấp không gian nhà ở. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy điều này đang diễn ra.
Zheng Xiao, một sinh viên đại học 22 tuổi ở Thâm Quyến, cho biết cha mẹ anh vừa bán một mảnh đất rộng 360m2 với giá 18 triệu Nhân dân tệ trong thành phố.
“Bố mẹ tôi đã mất vài tháng để cuối cùng chốt được thỏa thuận với mức giá thấp hơn nhiều so với những gì họ mong đợi. Những người trẻ mua nhà dường như không quan tâm đến những ngôi nhà lớn vì họ sẽ gặp áp lực chi trả các khoản vay và thuế cao”, Zheng Xiao nói.
Zheng Xiao cho biết, thế hệ “Gen Z” ngày nay muốn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn là tích luỹ tài sản.
Ông George Magnus kỳ vọng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phục hồi được phần nào trong năm 2023 sau khi lượng giao dịch sụt giảm vào năm ngoái.
“Có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ thấy rất nhiều lao động nước ngoài trong thị trường dịch vụ của Trung Quốc. Tình trạng tương tự đã diễn ra ở Nhật Bản, vì dân số già của nước này.
Trong khi đó, phần lớn số tiền người Trung Quốc đã đầu tư vào nhà ở có thể không thu hồi được. Nhiều ngôi nhà sẽ trở thành chi phí chìm, bị bỏ hoang ở những nơi ngày càng ít người trẻ”, ông George Magnus dự báo.
Cận cảnh thác nước nhân tạo cạnh tòa nhà ở Trung Quốc, ngốn 3 triệu đồng/tiếng để vận hành
Kiến trúc tuyệt đẹp của thác nước bên cạnh tòa nhà trong thành phố miền Nam tỉnh Quý Dương, Trung Quốc khiến nhiều người e ngại bởi chi phí hoạt động cực lớn của nó.
Sập nhà ở Trung Quốc, hơn 60 người mắc kẹt và mất liên lạc
Hương Quỳnh (dịch)