Báo cáo của Chính phủ về tình hình đầu tư công gửi Quốc hội cho thấy: Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).
Tuy nhiên khi so sánh số vốn giải ngân cùng kỳ năm 2022 thì báo cáo của Chính phủ đánh giá là cao hơn so với năm 2021 là 34.597 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2021.
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng, nhưng theo Chính phủ, điều này cũng đã phản ánh tính đặc thù của vốn đầu tư, đó là công tác thanh toán chỉ được đẩy mạnh thực hiện sau khi đã tích lũy được khối lượng thi công hoàn thành.
Kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng một tháng, tiến độ giải ngân đạt 40.920 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân trong 8 tháng đầu năm là 26.528 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 118 nghìn tỷ đồng so với năm cùng với khó khăn đặc thù do năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch (do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.
Đến nay, nhiều địa phương không giao được hết kế hoạch vốn ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do công tác lập kế hoạch không sát, nhất là chi đầu tư từ các khoản thu từ đất, xổ số kiến thiết và bội chi ngân sách địa phương.
Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận: Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, nhất là trong những tháng đầu năm, đã kéo dài trong nhiều năm, chuyển biến chưa đáng kể, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA. Tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là vốn nước ngoài. Đây là khó khăn rất lớn đối với kế hoạch năm 2022 vì theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thời gian giải ngân kế hoạch hằng năm là 1 năm.
Đến hết 9 tháng năm 2022, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.