Sáng 4/8, UBND TP.HCM đã tổ chức sơ kết tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm và đề ra phương hướng cho những tháng còn lại của năm 2022.
Ngoài kết quả kiểm soát dịch tốt, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, 7 tháng qua kinh tế TP phát triển và phục hồi rất tốt, gần chạm đến trạng thái trước khi chưa có dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo còn tiềm ẩn yếu tố mới, có khả năng tác động lớn đến kinh tế-xã hội của TP và đời sống người dân.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng lưu ý, 7 tháng thu ngân sách rất khả quan, nhưng vấn đề chi rất đáng lo ngại, nhất là chi cho đầu tư công quá thấp (chỉ đạt 26%).
“Đầu tư công chậm sẽ không dẫn đắt được tình hình sản xuất của TP, dẫn đến không đẩy mạnh được phát triển kinh tế-xã hội”, Chủ tịch TP nhấn mạnh.
Theo ông Phan Văn Mãi, giải ngân đầu tư công chậm ngoài nguyên nhân do phục hồi kinh tế sau dịch mạnh mẽ nên khối lượng công việc nhiều. Nhưng chậm cũng từ nguyên nhân tinh thần, trách nhiệm của một số đơn vị, cá nhân…
Qua đó, ông yêu cầu các đơn vị, thủ trưởng từng ngành, từng địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại mình để đôn đốc công việc. Nếu nguyên nhân do con người thì phải nhắc nhở, điều chỉnh và nếu thiếu trách nhiệm thì phải có biện pháp xử lý.
Ách tắc chủ yếu từ quận, huyện
Theo báo cáo của UBND TP, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trung bình cả nước đạt 31%, trong khi TP.HCM chỉ chạm mốc 26% là quá thấp. Đầu tư công chậm thường rơi vào các dự án lớn, có tỷ lệ vốn từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Hầu hết các dự án đều đạt tỷ lệ giải ngân thấp, rơi vào khoảng từ 4%-10%.
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở TN-MT, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp tập trung chủ yếu ở công tác giải phóng mặt bằng và công tác bồi thường.
“Nhận thấy điều đó, Sở TN-MT đã đẩy nhanh tiến độ các dự án, đến nay Sở đã giải quyết dứt điểm các hồ sơ liên quan. Hiện thành phố đã thông qua được 52 dự án bồi thường, không còn tồn động ở cấp thành phố”, ông Bảy khẳng định.
Qua đó, ông đặt câu hỏi ách tắc nằm ở đâu và cho biết việc chậm trễ là nằm ở cấp quận, huyện. Theo ông, ở địa phương nào mà lãnh đạo, cấp ủy vào cuộc quyết liệt thì dự án chạy rất nhanh, ngược lại thì chậm. Có địa phương khi nhận nhiệm vụ thì giao về hết cho Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng, gây chậm trễ.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc chậm trễ của các địa phương cũng do khâu thẩm định giá bồi thường chậm. TP có nhiều đơn vị thẩm định giá, nhưng chất lượng không đồng đều. Công tác thẩm định giá thù lao không cao, nhưng trách nhiệm lại rất lớn nên nhiều đơn vị không mặn mà tham gia, dẫn đến các địa phương khó tìm thuê được đơn vị thẩm định giá.
Vấn đề tái định cư cũng là vấn đề khó, khi nhiều địa phương hết quỹ đất. Nếu đưa người dân tái định cư ở địa phương khác thường là không được chấp nhận, gây ách tắc dự án, dẫn đến giải ngân chậm…