Theo đó, cảng biển TPHCM gồm các khu bến: Cát Lái - Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các bến cảng tiềm năng huyện Cần Giờ, các bến phao, khu neo đậu chờ, tránh, trú bão.

Quy hoạch đến năm 2030, hệ thống cảng biển TPHCM sẽ có sản lượng hàng hóa thông qua từ 228 triệu tấn đến 253 triệu tấn (chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 170.600 lượt khách đến 184.400 lượt khách.

dji 0207 448 1016.jpg
Cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Văn Lợi 

Ngoài ra, hệ thống cảng biển TPHCM đến năm 2030 sẽ có từ 41 bến cảng đến 44 bến cảng gồm từ 89 cầu cảng đến 94 cầu cảng với tổng chiều dài từ 16.588,2m đến 18.588,2m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Đến năm 2050, quy hoạch xác định, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển TPHCM có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 %/năm đến 3,8 %/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 %/năm đến 1,0 %/năm.

Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch xác định sẽ tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ TPHCM để cùng với các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn phù hợp với phát triển không gian đô thị TPHCM.

Ước tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 77.452 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 2.952 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 74.500 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).