Đã thu hồi 3,64 tỷ USD
Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Tính đến 31/12/2021, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các dự án là 6,61 tỷ USD (bằng 55% số vốn đăng ký). Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (3,99 tỷ USD, chiếm 60% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1,46 tỷ USD, chiếm 22%); VRG đứng thứ ba (770,8 triệu USD, chiếm 12%).
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác (khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không… ). Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 lĩnh vực này chiếm 96% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.
Mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã thu được lợi nhuận, trong đó năm 2021 ghi nhận doanh thu tăng mạnh so với năm 2020. Lợi nhuận được chia cũng ngày càng lớn.
Cụ thể, năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 7,78 tỷ USD, tăng tới 40% so với năm 2020. Trong đó: 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD (tăng 90% so với năm 2020). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD (tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020).
Nhiều dự án đầu tư đã thu hồi được một phần vốn đầu tư bỏ ra. Số liệu của Chính phủ cho thấy, lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn đã thu hồi lũy kế là 3,64 tỷ USD (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1,74 tỷ USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, PVN có số vốn đầu tư thu hồi lớn nhất, là 2,63 tỷ USD (chiếm 72% tổng số vốn đã thu hồi của khối các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước), đứng thứ hai là Viettel với 853,41 triệu USD (chiếm 23%).
Một số dự án đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả như: dự án thăm dò khai thác dầu khí 04 Lô tại Nhenhexky-Nga của PVN; dự án khai thác khoáng sản sắt, khoáng sản vàng của TCT Hợp tác kinh tế/QK4… có số vốn thu hồi lớn hơn vốn đầu tư thực hiện.
Một số dự án viễn thông của Viettel (tại Lào, Campuchia và Timor Leste) và một số dự án xây lắp của Viettel cũng đã thu hồi gấp nhiều lần số vốn đầu tư,...
Những số liệu tích cực trên cho thấy, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài có sự chuyển biến tích cực, với doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020 (tương ứng tăng 40% và 90%). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng so với năm 2020 (gấp 2,4 lần năm 2020). Kết quả thu hồi vốn về Việt Nam của các dự án tăng mạnh so với năm 2020 (tăng 261 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020).
Viettel tiên phong khai phá thị trường châu Phi
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài góp phần nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Ngày 15/5/2012, Viettel công bố chính thức kinh doanh tại lục địa đen mở đầu là Mozambique với thương hiệu Movitel. Chỉ sau hơn 1 năm đầu tư, Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G và 3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique. Viettel cũng dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia châu Phi này với 12.600 km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique.
Thời điểm đó, Movitel đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria.
Đến thời điểm này, Viettel đã triển khai tại 4 quốc gia ở châu Phi là Mozambique, Tanzania (mạng Halotel), Burundi (mạng Lumitel), Cameroon (mạng Nexttel).
Theo thống kê hiện nay, Movitel đang phủ sóng 98% dân số và 90% diện tích Mozambique. Movitel hiện có 9,2 triệu thuê bao, chiếm 46% thị phần.
Tại Tanzania, mạng Halotel có 7,3 triệu thuê bao chiếm 13% thị phần. Halotel đang có phủ sóng 87% dân số Tanzania. Tại Thị trường Burundi, Lumitel phủ sóng 97% dân số và chiếm 59% thị phần. Thị trường Cameroon, Nexttel đang chiếm 13% thị phần và phủ sóng 70% dân số.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho thấy, sự “trỗi dậy” của thị trường châu Phi. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 thị trường châu Phi đạt 3.978,5 tỷ đồng - tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 900 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc tổng doanh thu tăng thêm 930 tỷ và khoản lãi tỷ giá tăng thêm 1.503 tỷ so với cùng kỳ, đưa châu Phi trở thành thị trường có lợi nhuận cao nhất trong số các thị trường của Viettel Global.
Viettel Global cho biết, trong quý II/2021 hầu hết các thị trường tại châu Phi đều tăng trưởng mạnh về doanh thu, nổi bật là Halotel tại Tanzania tăng 33%, Lumitel tại Burundi tăng 24%, Movitel tại Mozambique tăng 45%.
Trong đó, Halotel là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường Viettel đầu tư, với tăng trưởng thuê bao 4G đứng đầu các thị trường. Không chỉ thuê bao data, dịch vụ ví điện tử tại các thị trường châu Phi cũng đạt được những kết quả tích cực khi số thuê bao ví phát triển tăng mới chiếm 85% thuê bao ví điện tử tăng thêm của Viettel Global.
Tuy nhiên, đến năm 2022, dù đối diện với nhiều khó khăn, song doanh thu các thị trường của Viettel tại châu Phi vẫn đạt 2.862 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và đóng góp hơn 45% doanh thu cho Viettel Global.