Với tâm niệm “đi để trưởng thành”, vợ chồng anh Vũ Minh Trà, chị Trần Hải Yến (Hà Nội) dắt díu các con đi du lịch từ khi bé thứ hai mới được 20 tháng tuổi. Đến nay, cả gia đình anh chị gồm 4 thành viên đã du lịch khắp 5 châu.
Trưởng thành sau mỗi chuyến đi
Năm 2018, khi bé lớn 4 tuổi rưỡi, bé nhỏ 20 tháng tuổi, anh chị đã thực hiện chuyến “road trip” đầu tiên - vòng quanh 9 nước châu Âu trong 21 ngày. Năm 2019, cả nhà chọn đi “road trip” bờ Tây nước Mỹ 35 ngày. Năm 2020, do Covid-19 nên anh chị đi xuyên Việt. Đến năm 2020, cả nhà quay trở lại Mỹ và chọn bờ Đông để “road trip” 18 ngày. Năm nay, anh chị vừa thực hiện chuyến đi Nam Phi dài 21 ngày.
Chia sẻ về sở thích dịch chuyển, chị Yến nói: “Gia đình mình coi trọng hạnh phúc hiện tại, mong muốn đem lại cho các con thật nhiều trải nghiệm để sau này các con tự nhận thức, tự tìm cơ hội, phát triển bản thân. Các chuyến đi cũng giúp con rèn tính tự lập, xử lý các tình huống. Với mong muốn đó, gia đình mình không chỉ chăm chăm tiết kiệm, cho các con tiền khi lớn lên”.
“Cuộc sống trôi đi rất nhanh, vì thế mỗi năm nhà mình dành ra một khoảng thời gian đủ dài để các thành viên ở bên nhau, hiểu nhau hơn và tình cảm gia đình thêm gắn kết”.
Bà mẹ 2 con chia sẻ, sau mỗi chuyến đi, chị thấy các con trưởng thành hơn về cả thể chất và nhận thức. Chị rất vui khi các con vượt qua được chính mình, đi bộ hàng chục km cùng bố mẹ, tham gia trekking các vườn quốc gia ở Mỹ và Úc. Vì có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, các bé trở nên bạo dạn và tự tin hơn trong giao tiếp.
“Có lần, bé lớn bị lạc trong công viên Royal Botanic Gardens ở Úc. Khi bố mẹ đang lo lắng tìm kiếm thì một nhân viên an ninh chạy đến báo là bé đang ở khu vực đón khách chờ bố mẹ. Hoá ra, bé biết chủ động chạy ra đó, nhờ các cô chú gọi loa cho bố mẹ”.
Khi trải nghiệm cùng một gia đình bản địa ở Nam Phi trên núi Zulu, chị Yến đã rất xúc động khi nhìn thấy các con chủ động chơi, giao tiếp tự tin và hoà đồng với các bạn trong làng.
Cũng nhờ được đi nhiều, được quan sát và trải nghiệm tận nơi, nên các bài học lịch sử, địa lý thế giới của các con chị trên lớp luôn trở nên chân thực, sống động khi con nhớ tới những nơi chốn mình đã đi qua. “Các con tham gia hào hứng, sôi nổi và trả lời đúng nhiều câu hỏi về các địa danh, văn hoá của các quốc gia”.
“Các bé nhà mình cũng rất yêu thiên nhiên và động vật, nên việc đi nhiều nơi cũng giúp các con thấy được thiên nhiên và động vật ở các nước được bảo tổn như thế nào.
Đi cùng bố mẹ bằng ô tô tự lái, các con có thể thấy được việc chấp hành nghiêm luật giao thông là rất quan trọng, đặc biệt ở các nước phát triển với lượng giao thông chủ yếu là ô tô và đi với tốc độ nhanh.
Đi du lịch, con cũng cần quan sát và chú ý không được rời bố mẹ mà không xin phép, có thể bị lạc như tình huống mình đã kể ở trên”.
Chị Yến cũng chia sẻ rằng, ngoài những chuyến du lịch nước ngoài, gia đình chị cũng từng đi xuyên Việt 2 lần, ghé thăm những địa điểm ở gần hoặc trong Hà Nội cho các dịp nghỉ ngắn ngày và cuối tuần.
Theo chị, không nhất thiết phải đi du lịch nước ngoài mới dạy con trẻ được các kỹ năng sống hay cho trẻ có cơ hội trải nghiệm. “Mình cũng từng cho bé ra đảo Hòn Nưa (Phú Yên) để cắm trại, ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để xem núi lửa đã ngừng hoạt động, đi rừng quốc gia Ba Vì để tìm hiểu về thiên nhiên… Còn rất nhiều nơi trải nghiệm thú vị ở ngay trong Hà Nội mà các gia đình có thể tham gia như bảo tàng, làng gốm Bát Tràng, triển lãm tranh…”
Cũng giống như chị Yến, với mong muốn cho con trải nghiệm cuộc sống rộng lớn ngoài trường lớp và gia đình, chị Bùi Thanh Loan (Hà Nội) thường xuyên đưa các con rong ruổi trong Nam ngoài Bắc. Chị không hay chọn các chuyến đi sang chảnh - ở khách sạn 4-5 sao, trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Ngược lại, chị cho con đi chơi kiểu “bụi”.
Chị Loan hay tìm đến những khu vực dân bản địa sinh sống, ít khách du lịch, ăn ngủ cùng người dân. Các con chị thực sự được trải nghiệm văn hoá địa phương, hiểu được sự vất vả của người lao động các vùng miền.
Từ đó, các con có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống, ý thức được sự may mắn của bản thân, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Chị Loan hi vọng "từ những gì mà con được trải nghiệm, sau này khi lớn lên, con sẽ làm được điều gì đó giúp ích cho cộng đồng xung quanh, hoặc ít nhất là biết sống có trách nhiệm với bản thân”.
Thấu hiểu nỗi vất vả, tận hưởng sự ngọt ngào
Còn với chị Đặng Hồng Hạnh (Hà Nội), “về quê” là điểm đến để các con học từ thực tế cuộc sống.
Lúc bé, con chị hay hỏi “sao đường ở quê bẩn thế? Toàn cát mà họ không quét?”. Sau này, khi lớn hơn, những kiến thức cuộc sống mà các con chị học được từ quê cứ ngấm dần vào đầu lúc nào không hay. Và khi tiếp xúc với các bạn thành phố, con lại ngạc nhiên vì sao các bạn lại không biết những kiến thức ấy. Con bảo: ‘Không hiểu sao các bạn lớp con không phân biệt được cây mít với cây vải’, ‘lớp con có bạn còn tưởng cây lúa cho ra hạt gạo, bạn không biết hạt thóc’…”.
Hè vừa rồi, chị cũng cho con về quê và nhận thấy con bắt đầu biết quan sát và đưa ra những đánh giá rất trưởng thành. “Lúc các con ngồi hóng mát ngoài đầm sen, con thấy bác nông dân lên bờ uống nước bằng bình nước để ở bờ ruộng, bạn nhỏ thắc mắc: Sao bác ấy không vào mua chai nước lạnh? Bạn lớn nhắc: Bác ấy đi làm 1 ngày được có 90 nghìn. Nếu khát nước mà mua nước lạnh thì làm gì còn tiền để dành làm việc khác’. Lúc ấy, mình thấy con đã bắt đầu thấu hiểu, cảm thông với mọi người” - chị Hạnh chia sẻ.
Khác với nhiều đứa trẻ, 2 con lớn của chị Hạnh đều rất thích về quê. “Con thích không gian ở quê vì nhà ai cũng có nhà vườn. Con rất nhạy cảm với tiếng dế kêu và chim hót, thích sống ở những nơi bình yên”.
“Mỗi lần có cơ hội là các con đều rủ về quê. Các bạn ấy thậm chí từ chối đi du lịch nơi khác, nói là: Về quê cũng là đi du lịch rồi. Nên thường thì mỗi năm, tôi về quê cùng các con 1 tháng để sống. Ngoài ra, các ngày lễ ngày tết tôi vẫn cho con về chơi”.
Chị cho rằng, về quê là cách để các con gần gũi với ông bà, được sống trong tình yêu thương, quan tâm của họ hàng, làng xóm - điều mà không phải đứa trẻ thành phố nào cũng có nhiều cơ hội cảm nhận được.
“Trước đây, gia đình tôi thống nhất mỗi năm ăn Tết ở một quê để các con được trải nghiệm phong tục mỗi nơi. Điều đó, đến giờ tôi thấy may mắn là thực hiện được. Các con hiểu được phong tục 2 nơi, tự hào về mỗi quê và đó sẽ là những kỷ niệm ngọt ngào tuổi thơ của các con”.