Toàn tỉnh Lào Cai có trên 175 nghìn hộ gia đình với số dân trên 781 nghìn người; trong đó, có 10% là gia đình một thế hệ, 50% là gia đình 2 thế hệ, 27% là gia đình 3 thế hệ trở lên cùng sinh sống, còn lại 13% là gia đình khuyết thiếu, gia đình ghép lại. Năm 2024, toàn tỉnh có 165.568/175.956 hộ đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 94,1%).
Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá chiếm 85%; Tỷ lệ hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục chiếm 35%, Gia đình thể thao chiếm trên 23%; 75% gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 54% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, “Công dân học tập" đạt gần 230.000 người. 61% hộ gia đình có hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 12,41%: tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái; tuổi thọ trung bình là 70 tuổi.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 142/152 xã, phường thị trấn có mô hình Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình với 710 câu lạc bộ; 172 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với 1.702 thành viên tham gia; 55/152 xã, phường thị trấn có mô hình Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, 32/152 xã có mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Đáng chú ý, những năm qua, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao Lào Cai luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã xây dựng được gần 50 mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số và mô hình Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cấp huyện, xã đã tiến hành xây dựng 269 mô hình với nhiều tên gọi như: “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Cha mẹ đồng hành cùng con cái nói không với tảo hôn”; “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình... góp phần quan trọng làm giảm đáng kể tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Các mô hình về gia đình đã góp phần quan trọng làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Là địa phương có phong trào xây dựng đời sống văn hóa nổi bật, huyện Văn Bàn đã vận động người dân vùng cao cải tạo tập quán lạc hậu. Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã giảm nhiều; việc thách cưới, ăn uống dài ngày và không cho người chết vào áo quan đã cơ bản được khắc phục…
Ông La Tiến Thuật, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Bàn cho biết: Quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng gia đình văn hóa là không chạy theo hình thức, mà lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu, có sức lan tỏa.
Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong cuộc sống trên các lĩnh vực, như gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu có gia đình ông Lồ A Chung, thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo (thị xã Sa Pa); gia đình hiếu học tiêu biểu có gia đình ông Hà Văn Tới, thôn Chiềng 1, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn); gia đình ấm no - hòa thuận - tiến bộ có gia đình ông Lùng Văn Sơn, thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy (Mường Khương)...
Điểm chung của các gia đình văn hóa tiêu biểu ở vùng núi Lào Cai là trong mỗi gia đình, nhiều thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, là tấm gương về sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo nhiều đánh giá, những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao Lào Cai đã và đang làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng gia đình văn hóa, góp phần giữ gìn nền nếp, gia phong, gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, các khu dân cư, tạo nên tình làng, nghĩa xóm thuận hòa và ngày càng bền chặt.
Khánh Vy