Quán triệt Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị Khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển của du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua tỉnh Nam Định đã có nhiều quyết sách mới để thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi du lịch sau dịch Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như: Tham dự các hội chợ thương mại, các sự kiện trong khu vực; tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát tour, tuyến, điểm du lịch; tổ chức giới thiệu các món ăn, đăc sản của Nam Định tại SEA Games 31, giới thiệu hình ảnh về sản phẩm du lịch quê hương Nam Định.
Tỉnh Nam Định xác định, phát triển du lịch là một chuỗi kết nối liên tục, rộng mở. Không gian du lịch là không gian phải được giao thoa, hòa quyện bản sắc vùng miền mới khơi gợi được sự hấp dẫn của du lịch Nam Định. Do đó, thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh liên kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh với tinh thần đơn giản hóa, không phát sinh thêm thủ tục, gọn đầu mối giải quyết, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.
Xây dựng danh mục, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch; chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về mặt pháp lý, bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả cho các bên. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch liên quan trực tiếp đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Nhờ đó, du lịch Nam Định ngày càng khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác quy hoạch, phát triển dịch vụ và du lịch ở một số địa phương chưa đồng bộ, thống nhất. Việc liên kết vùng với các tỉnh, thành phố xung quanh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội để phát triển dịch vụ và du lịch chưa được đẩy mạnh. Những hoạt động liên kết vùng chủ yếu diễn ra ở hoạt động công nghiệp. Tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch ở một số địa phương vẫn đang ở trạng thái chưa được đánh thức, khơi dậy một cách mạnh mẽ…
Để tăng cường liên kết vùng nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành hữu quan, các địa phương xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ và du lịch. Đánh giá thực trạng liên kết vùng phát triển dịch vụ và du lịch thời gian qua trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy định, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Nam Định.
Tỉnh cũng cần đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm, bảo đảm cảnh quan thiên nhiên, mỹ quan và môi trường xung quanh, có những đóng góp nhất định vào ngân sách nhà nước và tỉnh.
Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành để tập trung khai thác những điểm du lịch mới. Đồng thời chủ động liên kết các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư du lịch trong nước khảo sát, tìm hiểu cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch. Quan tâm đến các hình thức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển của tỉnh.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có hơn 1.330 di tích đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó có nhiều điểm đến du lịch tâm linh, tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy, Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp, các di tích Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Cổ Lễ, Cầu Ngói, Cột Cờ Nam Định...
Hiện nay, tỉnh đã hình thành và khai thác một số loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu; trong đó du lịch văn hóa, du lịch làng nghề với điểm nhấn là các di tích, lễ hội: Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp gắn với lễ hội Đền Trần và lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định); Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội Chùa Keo (Xuân Trường); Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy, lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); hội chợ Viềng Xuân (Vụ Bản, Nam Trực); Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy); Di tích lịch sử văn hóa Cầu Ngói gắn với lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu)…
Ngoài ra, tỉnh Nam Định cũng nổi tiếng với những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi như: làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); trồng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); các làng muối ven biển Hải Lý, Hải Hòa (Hải Hậu) Bạch Long (Giao Thủy)…
Duy Khánh, Vân Anh, Thu Hoài