Dạy học trên truyền hình mở ra thêm cơ hội học tập

Học sinh tiểu học tại TP.HCM có thể học trên truyền hình từ 13/9. Các bài giảng dành cho học sinh lớp 1, 2 được phát sóng trên kênh HTV4, Đài truyền hình TP.HCM.

Chương trình phát sóng 3 lần một ngày cùng một nội dung vào nhiều khung giờ, nên phụ huynh có thể tham gia cùng các em học sinh. Như vậy, các em học sinh tại TP.HCM đã có thêm một kênh để học tập, khi việc học trực tuyến với nhiều em còn trở ngại.

TP.HCM đang là một trong những địa phương đang nỗ lực khắc phục các khó khăn trong việc học trực tuyến khi năm học mới đã diễn ra, nhưng các em học sinh chưa được đến trường vì dịch bệnh. Theo Bộ GD&ĐT, địa phương này thiếu khoảng 77.000 máy tính để học trực tuyến.

{keywords}
Học trên truyền hình tiếp cận được nhiều học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Ảnh minh hoa: Giáo dục thời đại

Năm học 2021-2022 đã bắt đầu trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tình hình dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong 48 tỉnh, thành phố tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, có 11.419 trường dạy học trực tuyến, nhưng việc dạy học trực tuyến vẫn còn nhiều trở ngại. Nhiều em thiếu trang thiết bị để học tập, một số nơi dạy học trực tuyến chưa hiệu quả do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập...

Trước thực tế diễn ra, các chuyên gia cho biết, bên cạnh phương thức dạy học trực tuyến, cần quan tâm tới phương thức dạy trên truyền hình, bởi khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với những gia đình nghèo. Với các học sinh còn nhỏ thì học trên truyền hình là giải pháp thậm chí tốt hơn học trên điện thoại di động.

Để tạo điều kiện cho các em học tập, từ 6/9, Kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia (VTV7) đã chính thức phát sóng chương trình dạy cho học sinh khối lớp 1, 2. Các bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1; Tiếng Anh cho lớp 1, 2…được triển khai theo đúng chương trình học trên lớp để đã đáp ứng được nhu cầu dạy học cho học sinh đầu tiểu học đang gặp khó khăn với việc học online.

Bà Nhật Hoa, Giám đốc VTV7 cho biết, nhiều trường đã kết hợp dạy học sinh theo thời khóa biểu trên truyền hình. Điều này đã mở ra thêm cơ hội học tập cho các em học sinh.

Sử dụng đa nền tảng để mở rộng tiếp cận

Nội dung học trên truyền hình được đưa vào thời khóa biểu mùa dịch của lớp 1B trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Hà Nội. Các giáo viên đã có các hướng dẫn cụ thể để học sinh và phụ huynh cách xem lại bài học Tiếng Việt qua TV, YouTube hay cả website của nhà đài. Các kênh phát này đã phát huy tác dụng khi học sinh và phụ huynh có thể tìm kiếm và xem lại nội dung bài học. Chẳng hạn, lượng truy cập kênh YouTube VTV7 để xem lại bài học đầu tiên là hơn 1 triệu lượt trên tổng số 1,7 triệu học sinh lớp 1 trên toàn quốc.

Không chỉ VTV7, nhiều đài truyền hình địa phương đang thực hiện giảng dạy trên truyền hình như Thừa Thiên Huế, An Giang hay Bình Thuận cũng đang thực hiện theo cách làm này. Tất cả hướng tới mục tiêu đưa được bài học đến với các em học sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong tình hình hiện nay, dạy học trực tuyến được xác định là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng video bài giảng cho các môn học ở nhiều khối lớp và lên phương án xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.

Website của Bộ GD&ĐT hiện nay cũng đang thực hiện cập nhật hàng ngày lịch phát sóng dạy học của các Đài truyền hình để các em học sinh và phụ huynh có thể theo dõi, tiếp cận.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình, các đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả những em có điều kiện học trực tuyến.

Về phía Đài truyền hình, bà Nhật Hoa cho biết, trong năm học này, VTV7 sẽ đảm bảo sản xuất và phát sóng đủ 3 môn chính (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) cho khối lớp 1 và lớp 2 kèm theo các phiếu bài tập hỗ trợ cho giáo viên trên website. Kênh cũng sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để xây dựng hệ thống bài giảng mẫu cho chương trình lớp 6. Với các khối lớp khác thì phải theo đúng lộ trình sách giáo khoa mới.

Việc xây dựng chương trình cũng đổi mới theo hướng xây dựng kho học liệu dạy học đa nền tảng, bổ trợ được cả cho việc học trực tiếp và trực tuyến. Chương trình dạy học trên nhiều hạ tầng khác nhau, trong đó có cả tận dụng mạng xã hội xây dựng kho dữ liệu, tăng tương tác với học sinh và phụ huynh.

Dẫu vậy, cũng còn nhiều khó khăn, áp lực khi phải triển khai trong bối cảnh hiện nay. “Quá nhiều khối lớp và quá nhiều môn học. Một mình VTV7 không thể thực hiện được hết và ngay lập tức. Chúng tôi chọn hướng ưu tiên khối lớp đầu tiểu học, là những đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong học trực tuyến. Tôi nghĩ việc này cần sự chung tay của toàn xã hội.”, bà Nhật Hoa nói.

Duy Vũ

Tận dụng mọi phương thức, nền tảng số để duy trì dạy học cho học sinh

Tận dụng mọi phương thức, nền tảng số để duy trì dạy học cho học sinh

Trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh dạy học trực tuyến, có thể thêm phương thức dạy trên truyền hình hay tận dụng nhiều cách khác nhau như đưa bài học qua USB, trên nền tảng số… mục tiêu cuối cùng là đưa các bài giảng đến được với học sinh.