Trong đó có những phần việc đáng lưu ý như thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh, quản lý dân số, hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống chung; duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 205 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông... Dù vậy, để hoàn thành các nhiệm vụ còn lại, ngành Y tế vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn, sau 2 năm triển khai, đến nay, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đã thực hiện được nhiều phần việc quan trọng. Cụ thể như sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Từ đó giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm nhiều khâu thủ công của các y, bác sĩ trong thao tác khám chữa bệnh, ghi bệnh án; minh bạch các hoạt động thu, chi...
Dù vậy, theo ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, dữ liệu dân cư và dữ liệu sức khỏe điện tử của người dân chưa đồng bộ nên việc thực hiện bệnh án điện tử còn nhiều trở ngại.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi không có điện thoại thông minh nên tỷ lệ sử dụng công nghệ khi đến khám không thể đạt 100%.
Những khó khăn Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên gặp phải cũng là những vướng mắc chung của ngành Y tế tỉnh khi các đơn vị thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Bên cạnh những kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào chương trình chuyển đổi số của tỉnh thì chúng tôi vẫn đang gặp không ít trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tại tỉnh.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là dữ liệu các nền tảng của hệ thống y tế quốc gia chưa đồng bộ, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ và đồng bộ giữa các hệ thống thông tin với nhau.
Cùng với đó, hạ tầng, trang thiết bị tại một số cơ sở y tế còn thiếu, không đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Cũng theo ông Hải, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin y tế tại các bệnh viện đã được ngành Y tế quan tâm song vẫn còn thiếu so với yêu cầu ngày càng cao về bảo mật thông tin, cần chi phí lớn để đầu tư, nâng cấp, đồng bộ các hệ thống an toàn thông tin.
Đặc biệt, nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin tại các sở y tế còn thiếu, cần được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin, chưa có chính sách đãi ngộ nên việc giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và đăng ký khám chữa bệnh từ xa còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về y tế, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên, từ nay đến năm 2025, ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý.
Từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp khi khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thực tế ảo/thực tế tăng cường... trong hỗ trợ khám chữa bệnh, điều hành, quản lý trong lĩnh vực y tế…
Với mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành Y tế đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu hội nhập trong nước và quốc tế; giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ chất lượng cao ngay tại tỉnh, tháng 11-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025. |
Theo Tùng Lâm (Báo Thái Nguyên)